top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Chủ nhật, 15/12/2024, 19:27 GMT+7
Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM Trần Văn Liêng: "Chất lượng là sự thừa nhận"

Cùng với xu thế phát triển xanh của thế giới, khái niệm “Chất lượng xanh” trở thành một trong những tiêu chí tối cần thiết trong quá trình toàn cầu hóa. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028, kiêm Phó Viện trưởng Viện Kiểm định và Phát triển Chất lượng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ca cao Việt Nam (Vinacacao).

14-19 Theodongsukien Tran van Lieng F

Hội Chất lượng TP.HCM (VQAH) là một tổ chức  xã hội - nghề nghiệp tự nguyện phi chính phủ của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chất lượng, kiên trì đeo đuổi và luôn lấy chất lượng để phát triển, với tiêu chí “Chất Lượng Là Sự Thừa Nhận” (cũng là slogan mới của Hội) với mục tiêu đưa chất lượng đi vào thực tiễn cuộc sống được chính khách hàng, người tiêu dùng thừa nhận, đón nhận, chấp nhận. Ông Trần Văn Liêng đã trúng cử Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2023-2028 tại phiên họp BCH Hội ngày 26/12/2023.

TRAN VAN LIENG 2

Doanh nhân Trần Văn Liêng trải qua nhiều vị trí quốc tế trong các hoạt động hợp tác và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Việt Nam. Ông từng là Giám đốc điều hành của American Rice - Vinafood, liên doanh nổi bật nhất giữa Mỹ và Việt Nam năm 1996, đã giành được giải thưởng quản lý trẻ nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước khi tham gia lĩnh vực đầu tư tài chính vào năm 2002 với vị trí Giám đốc Quản lý Quỹ Prudential... 

Tran-Van-Lieng-10

Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm và 05 năm tài chính đóng góp đáng kể và to lớn cho sự thành công hiện tại của Vinacacao. Ông có bằng đại học về Thương mại Quốc tế, Cử nhân Văn học, Tiếp thị Ngũ cốc Quốc tế (Canada). Hiện ông là Nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại trường SSBM (Thụy Sĩ).

Chào Tân Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM! Ông có thể chia sẻ giúp độc giả hiểu rõ hơn, thực tế hơn khái niệm của chất lượng xanh trong bối cảnh hiện nay?

Trước tiên, có thể nói Hội Chất lượng TP.Hồ Chí Minh là một hội duy nhất tại Việt Nam hoạt động và có những nghiên cứu cũng như ứng dụng thực hành chi tiết về chất lượng, và trong bối cảnh hiện nay ngoài chất lượng “cứng” theo các tiêu chuẩn đã được quy định thì còn có chất lượng “mềm”.

Hội trực thuộc Sở Nội vụ và Điều lệ được xét duyệt bởi Chủ tịch UBND TP.HCM. 

Tôi rất tự hào vì Cố Chủ tịch Hội - Tiến sỹ Ngô Văn Nhơn đã trở thành Viện sỹ chất lượng Thế giới đầu tiên của Việt Nam, là người đầu tiên nhận học hàm Viện sĩ do những đóng góp xuất sắc về khoa học, công nghệ, kinh tế và quản lý chất lượng.  Như thế có thể nói Hội chất lượng TP.HCM chính là một điểm sáng đáng tin cậy về chất lượng.

Với tôi, cũng như Hội Chất lượng TP.HCM, thì “Chất lượng là sự thừa nhận”, rất rõ ràng quan điểm rằng nếu không được sự thừa nhận thì không có giá trị.

Đây cũng chính là quan điểm của bậc thầy về chất lượng, ông Kaoru Ishikawa - một nhà chất lượng hàng đầu Nhật Bản. Với quan điểm chất lượng là sự thừa nhận đã làm cho các ngành công nghiệp Nhật Bản phát triển rất mạnh, nhờ vào chất lượng: cấu tạo tốt, bền, đẹp, sử dụng thuận tiện, mẫu mã đẹp, tiết kiệm nhiên liệu và đặc biệt là giá thành hợp lý, vừa túi tiền. Đó là tổng thể gọi lên sự chất lượng, cũng xem như là “chất lượng xanh”. Cho nên kinh tế Nhật có thể phát triển một cách rất tự tin. 

Trong bất cứ sự đánh giá nào cũng có quy chuẩn của sự cần và đủ, có thể gọi là quy chuẩn cứng và mềm. Ví dụ một anh kỹ sư đi làm, anh ta phải vẽ ra được, thiết kế được cái máy - gọi là kỹ năng cứng, bắt buộc phải có. Bên cạnh đó, anh phải trình bày được ý tưởng, phải thuyết phục được ý tưởng chế tạo nên cái máy đó là đúng đắn và cần thiết - đó gọi là kỹ năng mềm. Còn về chất lượng xanh, nói nôm na “chất lượng xanh” trước tiên phải đạt chất lượng chuẩn, nghĩa là được thừa nhận với những tiêu chuẩn tối thiểu, đạt ISO 9001:2015; bên cạnh đó phải có trách nhiệm xã hội - tiêu chí này tạo nên yếu tố “xanh” của chất lượng. Chính phủ mình có Luật về môi trường, quốc tế có Thỏa thuận Paris (hạn chế về khí thải), Nghị định thư Kyoto (có 192 quốc gia tham gia, thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu).

“Xanh” trong chất lượng là khái niệm tương đối rộng mở, nó nằm ở chỗ là đa dạng về sinh học, giữ môi trường cho thế hệ sau, cho những sinh vật yếm thế có thể tồn tại. Ví dụ một dòng sông nó màu xanh thật là đẹp, bạn xả nước thải xuống, nếu nhìn theo quan điểm của sự mềm và xanh thì bạn phải cực kỳ run sợ khi làm chuyện đó.

Cho nên chất lượng xanh và kinh tế xanh là nó đi về cái nét “đạo” nhiều hơn. Điểm mạnh của “đạo” (đạo lý, đạo đức) chính là “Đạo không buộc, đạo là sự chọn lựa”. Hiện tại, chính phủ Việt Nam, cả trên thế giới, Liên hiệp quốc đang chuyển những khái niệm “đạo” đó thành bắt buộc để biến chất lượng thành xanh, kinh tế xanh, phát triển xanh, xu thế của toàn cầu.

Cho nên theo Hội chất lượng TP.HCM, năm nhiệm kỳ của tôi, ít nhất tôi cũng định hướng sẽ phải đi rất sâu về chất lượng mềm, chất lượng xanh bên cạnh việc duy trì chất lượng tiêu chuẩn, chất lượng cứng.

Năm nay Cộng đồng chung châu Âu cũng đã bắt đầu phục vụ cho mục tiêu xanh. Có nghĩa là những sản phẩm như là cà phê, cacao, bông, gỗ... Nếu muốn ngồi trên kệ bán hàng của siêu thị châu Âu là phải có quy định không được phá rừng để sản xuất được sản phẩm này. 

Điều đó có nghĩa là các quốc gia có lợi thế với mình trước đây nó sẽ trở lại vạch xuất phát, mà Việt Nam thì vốn từ lâu đã đặt cái “đạo” này ở vị trí quan trọng; cho nên các quốc gia khác trở lại vạch xuất phát rồi thì nó tạo thế cạnh tranh tương đối công bằng cho những quốc gia đi sau như là Việt Nam, riêng về ngành ca cao, cà phê thì mình thấy rõ, ngành gỗ cũng vậy. 

TRAN VAN LIENG 3

Nhiệt huyết với từng trách nhiệm của mình, doanh nhân Trần Văn Liêng luôn mang đến những cuộc nói chuyện, không gian mà ông xuất hiện sự sôi nổi, nhiệt tình và kiến thức uyên thâm với tuổi đời ngoài ngũ tuần.

TRAN VAN LIENG 4

Phong thái, sự sôi nổi, sự nhiệt tình và trách nhiệm với cộng đồng, với an sinh xã hội của CEO Trần Văn Liêng luôn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sinh viên cũng như những ai bắt đầu con đường khởi nghiệp.

TRAN VAN LIENG 9

“Khái niệm “xanh” ngoài các quy chuẩn về luật lệ, ngoài những nền tảng cứng, nó còn tính đạo trong đó. Đạo ở đây là đạo lý, đạo đức trong kinh tế. Như ta nói ô nhiễm môi trường là phá hoại bầu khí quyển, nhưng từ khái niệm “đạo” ta sẽ thật sự bàng hoàng khi thấy được hậu quả của các sinh linh, các tầng lớp yếm thế bị hủy diệt. Thế giới sẽ đi về đâu nếu “chất lượng xanh” bị coi nhẹ?" - Ông Trần Văn Liêng chia sẻ.

Ông có thể nói rõ hơn khái niệm kinh tế xanh?

Nói tới kinh tế xanh thì bạn phải nhớ tới thị trường. Không có một nền kinh tế nào mà không có thị trường. Thị trường hiện nay dành ưu thế cho các sản phẩm xanh. Các sản phẩm xanh trước đây mình hiểu là organic, không hẳn, mà organic là một phần trong nỗ lực chung: xanh tức là không dùng các hóa chất, nhất là các hóa chất về vô cơ. Organic là các quy định chung của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đưa ra Luật và nhiều quốc gia áp dụng để hướng tới sản phẩm mình đạt các tiêu chuẩn về đạo đức. Tôi đã nói đến chữ “đạo” trong chất lượng xanh.  Trong việc phá hoại môi trường, phá hoại đa dạng sinh học hoặc là khí thải hoặc là chất thải. Kinh tế xanh có 2 ý về mặt thương mại, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn “đạo” về việc không phá hoại môi trường để thu lợi nhuận cao. Thứ 2 là nền kinh tế đó hướng tới “net zero” có nghĩa là nó đừng tạo ra khí thải để phá hoại bầu khí quyển. Gần đây các bạn thấy nhắc đến nhiều khái niệm “net zero”, đó cũng là nỗ lực rất lớn của Thỏa thuận Paris. Nhiều quốc gia như Việt Nam mình cam kết là năm 2050 “Net Zero” của Việt Nam bằng 0. Đó là một mục tiêu rất hay và nó định hướng cho tất cả các ngành. Nền kinh tế xanh đó cho phép bạn sử dụng hiệu quả nguồn lực, sử dụng hiệu quả năng lượng. Không lãng phí năng lượng cũng là một mục tiêu của kinh tế xanh. Kinh tế xanh không chỉ là thị trường mà nó còn về đầu tư. Nếu các bạn muốn thu hút những nhà đầu tư lớn thì tiêu chuẩn đầu tiên là họ không muốn “vấy bẩn” bởi một nền kinh tế không xanh. Gần đây Hội Chất lượng TP.HCM cũng tổ chức nhiều hoạt động để nói chuyện với các khu công nghiệp, hướng tới một nền kinh tế có “chất lượng xanh” mà các khu công nghiệp đóng vai trò không nhỏ..

Việt Nam tôn trọng các cam kết kinh tế xanh và quyết liệt trong việc thực thi. Việt Nam sắp tới nó sẽ đi rất là nhanh về vấn đề công nghiệp hóa một số ngành. Có những ngành bạn sẽ không thải ra nhiều khí thải đâu. Ví dụ như ngành AI hoặc là về công nghệ thông tin. Lúc đó nó sẽ gặp vấn đề là thâm lạm về lao động, sẽ giảm sử dụng nhiệt điện, giảm xả thải xả carbon, nhưng lại sủ dụng nhiều năng lượng. Và nên tính tiếp tới việc chuyển sang dùng năng lượng mặt trời hay năng lượng Hydro.   Nền kinh tế xanh chính là xem xét, cân đối để phù hợp thực trạng như thế. Việt Nam sắp tới sẽ đi nhanh về vấn đề công nghiệp hóa một số ngành. Có những ngành sẽ không thải ra nhiều khí thải và đang được Chính phủ xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển.

14-19 Theodongsukien Tran van Lieng F2

Bài phỏng vấn ông Trần Văn Liêng dành cho độc giả Kết Nối Doanh Nhân trong chuyên đề tháng 12/2024

14-19 Theodongsukien Tran van Lieng F3

Ngoài hoạt động kinh doanh, CEo Trần Văn Liêng có nhiều đóng góp cho các chương trình mang tính cộng đồng, tiêu biểu như: Tuyển dụng & đào tạo các bạn khiếm thị làm việc ở bộ phận chăm sóc khách hàng; Là người truyền lửa khởi nghiệp cho các bạn sinh viên thông qua cuộc thi “Rookie Marketing”, “Cacao Trace” - Chương trình góp phần cải thiện đời sống của người nông dân trồng cây cacao tại Việt Nam; Là một người có niềm đam mê bóng đá, ông cũng ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch Tài chính VFF khóa VIII, với cương lĩnh tranh cử “Bóng đá 4.0” - với mong muốn mang đến một làn gió mới cho nền bóng đá nước nhà.

Nói về các quy chuẩn “chất lượng xanh”, phải nói rằng Vinacacao hiện đang có vị thế lớn mạnh trong cộng đồng, gần đây nhất chính là việc ký hợp tác song phương với Libeert - một thương hiệu uy tín với 100 năm tuổi đời. Ông có thể chia sẻ thêm về thành tựu này?

Ca cao Việt Nam được Tổ chức Ca cao quốc tế xếp loại “hảo hạng” vào năm 2015 nhờ hương vị trái cây và độ chua nhẹ. Yếu tố này giúp ca cao Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Thành lập từ năm 2004, tiền thân là Công ty Ca cao Thành Phát, đến nay sau gần 20 năm hoạt động, Công ty Ca cao Việt Nam không chỉ phát triển mạnh nhiều dòng sản phẩm ca cao, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với chất lượng vượt trội, mà đã có mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam. Sản phẩm của Vinacacao hiện đã được đưa vào hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn như Starbucks, Lotte, Big C, Co.opmart, SATRA… Sản phẩm của Vinacacao đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết để đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của các nhà phân phối. Đến nay, Vinacacao đã có mặt rộng khắp các chuỗi bán lẻ lớn tại thị trường Việt Nam: CoopMart, MegaMarket, Aeon, BigC... 

Đồng thời đã vươn ra thị trường thế giới và được sự đón nhận của người dùng quốc tế tại các quốc gia: Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Philipines, Ả Rập, Úc, Bỉ,...

Bằng kinh nghiệm đàm phán, tôi đã đề nghị các thương hiệu lớn này phải ghi rõ thông tin về nhà sản xuất là Vinacacao trên các sản phẩm bán ra. Thời gian đầu, nhiều đối tác không đồng ý. Nhưng tôi phân tích để họ thấy, trường hợp sản phẩm có vấn đề gì ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, thì ai là người chịu trách nhiệm? Nếu không được là đồng thương hiệu, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm. Sau khi nghe những phân tích này, đối tác đồng ý. Đứng trên vai những người khổng lồ là cách Vinacacao định vị giá trị thương hiệu của mình

Và lễ ký kết hợp tác song phương giữa Công ty CP ca cao Việt Nam (Vinacacao) và Công ty Libeert (Vương quốc Bỉ) đặt dấu mốc là lần đầu tiên, 2 công ty sản xuất thành phẩm, cùng ngành sô cô la, đến từ 2 quốc gia và 2 châu lục hợp tác để trao đổi thị trường, điểm đặc biệt mà trước đây chưa từng có. Bởi vì, các công ty cùng ngành thường thì “né nhau” và trở thành đối thủ cạnh tranh, nhưng với thỏa thuận này cho phép 2 công ty cùng ngành, cùng kinh doanh sản phẩm dòng cuối, cùng sản xuất và đưa ra sản phẩm cuối cùng hợp tác với nhau.

Theo đó, 2 bên hoán đổi thị trường của nhau bằng cách chia sẻ sản phẩm, chia sẻ thị trường, hệ thống phân phối để mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc ký kết hợp tác không chỉ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho 2 doanh nghiệp, mở ra một hình thức hợp tác mới cho các công ty sản xuất thành phẩm - mua để bán, bán để mua, mà còn tạo cơ hội phát triển cho ngành ca cao và người trồng ca cao tại Việt Nam.

TRAN VAN LIENG 7

Không chỉ là một doanh nhân nhạy bén và có tầm nhìn chiến lược, ông Trần Văn Liêng còn rất có tâm trong đào tạo nhân lực, nhất là lao động trẻ. Ông tìm người tài bằng nhiều cách, như mời các bạn trẻ tới Công ty để chia sẻ ý tưởng, thậm chí giao ngân sách cho các nhà phân phối để họ tuyển dụng nhân viên… Ông chính là nhà sáng lập và điều hành dự án khởi nghiệp Rookie Entrepreneurs cho sinh viên của hơn 10 trường Đại học tại TP.HCM. Đặc biệt, Vinacacao luôn mang đến cơ hội bình đẳng cho người lao động, tạo cơ hội làm việc cho người khiếm thị và các bạn trẻ khởi nghiệp. Doanh nghiệp có bộ phận telesale (giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua điện thoại) dành riêng cho người khiếm thị.

Được biết, cá nhân ông cũng như công ty Vinacacao đồng hành cùng rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp tại các trường Đại học. Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình đối với việc giới trẻ khởi nghiệp và tính thực thi đối với những dự án đạt giải?

Đôi khi, chúng ta hiểu hơi sai một chút là cứ khởi nghiệp là phải là người trẻ. Thực tế, khởi nghiệp dành cho người không trẻ, cũng không già. Bắt đầu khởi nghiệp là khi bạn có một giá trị mới. Khởi nghiệp nó khác lập nghiệp. Lập nghiệp thì bạn có thể là mở quán cà phê, mở quán phở, bạn mở nhà hàng. Nhưng khởi nghiệp buộc phải dựng lên một giá trị mới. Nói rộng hơn, khởi nghiệp là phải có tinh thần nghiệp chủ. Khi bạn có tinh thần nghiệp chủ thì bạn sẽ phát triển tốt. Nói về tính thực thi của các ý tưởng khởi nghiệp, như hiện nay nhiều người đánh giá các ý tưởng thường là ảo tưởng, đặc biệt với các bạn trẻ khởi nghiệp, bởi vì nó mới. Nhưng có nhiều thành tựu trên thế giới đã khích lệ sự ảo tưởng đó, ví dụ Facebook ban đầu là một sự ảo tưởng. Facebook thành lập không có nghiên cứu thị trường, không có kế hoạch phát triển. Thế mà giờ đây nó lớn mạnh thế nào bạn biết đấy! 

Tại Việt Nam mình cũng vậy, cà phê Trung Nguyên người ta từng nói là ảo tưởng vì thời kỳ ấy Vinacafé nó hùng mạnh, xuất khẩu cao vô cùng. Nhưng Trung Nguyên đã phát triển như bây giờ đấy! Bản thân mình thích hướng đi của Vinfast, mình hay nói chuyện về Vinfast với các bạn trẻ khởi nghiệp. Nhiều nhà kinh tế cũng nói Vinfast ảo tưởng, nhưng mình thích và mình tin Vinfast thành công.

Nếu mà nói về lý thuyết thì các dự án khởi nghiệp thường gặp sự kháng cự của thị trường. Thực ra các doanh nghiệp lớn cũng khởi nghiệp mà thôi. Vinacacao cũng đang khởi nghiệp. Bởi vì hàng ngày chúng tôi sẽ nghĩ một sản phẩm mới. Một ý tưởng mới có thể sẽ thất bại, nhưng chúng tôi có nguồn lực để có thể “cover” cái thất bại đó. Còn các bạn trẻ có thể không có nguồn lực để “cover” ý tưởng khởi nghiệp. Cho nên tính thực thi của những dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ nằm ở kết quả thị trường, đầu ra và các bạn có nguồn lực để vượt qua khó khăn ban đầu hay không.

Ý tưởng mới phải có quá trình, ít nhất là hai năm, bạn phải kiên trì. Không phải cứ “khởi binh” là thắng ngay từ lần đầu ra trận. Lần thứ nhất chưa thành công, ta làm lần 2, lần 3. Nghĩa là khi có một ý tưởng mới, bạn khởi nghiệp, bạn thất bại, nhưng chưa hẳn sự thất bại ấy đánh giá cái dự án khởi nghiệp của bạn là sai lầm. Sau thất bại, cần có thời gian, chuẩn bị tiếp nguồn lực, và khi phục hồi nguồn lực hãy quay lại với dự án của mình để quyết tâm chinh phục thị trường.

Tôi luôn hoan nghênh những tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm. Trong một số trường hợp phù hợp, tôi còn động viên và hỗ trợ nhân viên của mình ra khởi nghiệp. Một điều vui và may mắn là họ cũng chọn chính những sản phẩm của Vinacacao chúng tôi để khởi nghiệp. Đến giờ, họ không còn là nhân viên của tôi nữa mà trở thành đối tác, bạn hàng của tôi. Tôi xem nhân viên của mình như những hạt giống đầy tiềm năng, và Vinacacao là một vườn ươm để hạt giống ấy được phát triển, được vươn mình và cao lớn, đón những điều tốt đẹp.

Vinacacao nhiều năm tài trợ cho cuộc thi “Rookie Marketing of the Year” là bởi muốn hỗ trợ nguồn lực cho các bạn sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Chúng tôi xem đây là việc thực hiện trách nhiệm xã hội và dành một phần ngân sách của mình để chuyển giao những bí quyết cho giới trẻ qua chương trình “Rookie Entrepreneurs” . Chúng tôi vẫn miệt mài tổ chức sân chơi và tìm ra những người thắng cuộc, đưa đi Hàn Quốc để học hỏi trên nền tảng ngân sách hoàn toàn từ Vinacacao.

Cuộc thi là dịp để sinh viên của các trường Đại học trên địa bàn TP.HCM có thể nâng cao, bổ sung vốn hiểu biết của bản thân, đồng thời áp dụng chúng vào thực tiễn cuộc sống. “Rookie” có nghĩa là lính mới và giải thưởng là được đi Hàn Quốc, để tiếp cận một quốc gia đang phát triển mạnh; nó sẽ ăn sâu vào trí não, vào tư duy của các bạn trẻ để luôn luôn nỗ lực phấn đấu. Và cuộc thi này không đánh giá cá nhân, mà chú trọng “team work” - với nhóm 3 người trở lên. Để sau này khi thành lập doanh nghiệp, khi khởi nghiệp, bạn cần lưu ý đến “team work” chứ không phải đề cao “anh hùng cá nhân”. Thứ hai, đó là khả năng thương mại hóa ý tưởng. bạn chỉ nói về dự án, về sản phẩm của mình là tốt, nhưng chỉ tốt ở trong phòng thí nghiệm thôi thì không được; phải bán được ra tiền. Sản phẩm của bạn cần có mặt ít nhất trong hệ thống siêu thị, được thị trường tiêu dùng đánh giá cao; Không cần doanh số quá lớn, nhưng phải có đầu ra cho sản phẩm. Dự án phải được nhúng vào thực tế là vậy.  

Không chỉ các bạn trẻ, nhiều giáo sư, nhà khoa học cũng vẫn thất bại khi khởi nghiệp. Nói như vậy để các bạn khởi nghiệp hãy tự tin lên!

TRAN VAN LIENG 8

“Khởi nghiệp là quá trình âm thầm, cô đơn nhất và khởi nghiệp không phải để đi tìm thành công mà là một hành trình suốt đời. Trong đó, tinh thần khởi nghiệp là giá trị nhất” - Doanh nhân Trần Văn Liêng chia sẻ.

Với vai trò là Chủ tịch Hội chất lượng TP.HCM trong nhiệm kỳ mới này, ông có những kế hoạch gì cho tương lai?

Hội Chất lượng TP.HCM là một tập hợp nhiều cá nhân là các chuyên gia (từ Thạc sỹ, Tiến sỹ, và cao hơn nữa) có chuyên môn chuyên sâu về ngành chất lượng cũng như các tổ chức kiên trì theo đuổi con đường chất lượng. Với tôi, họ như những ngôi sao “gạo cội” của ngành,  chỉ cần một bầu trời rộng cao đủ để họ tỏa sáng mang lại giá trị cho Hội nói riêng và cho các Hội viên nói chung.

Nhiệm vụ của tôi chỉ nên là kiến tạo một bầu trời đủ lớn và mở rộng một bờ cõi đủ mạnh (cười) để các thành viên chất lượng này được cống hiến, được phục vụ và được tỏa sáng.

Tôi quan điểm về mặt phát triển của Hội: Hội viên cần chất lượng hơn số lượng.

Nhân sự vẫn cần phù hợp và có tinh thần đóng góp thực hơn là các chức danh vị trí chuyên trách nhưng thiếu tính thực tế, thực tiễn.

Tôi chỉ mới bắt đầu năm đầu tiên của nhiệm kỳ của mình thôi và hiện tại tôi cùng anh em trong Hội vẫn đang nỗ lực kiện toàn nội lực và nguồn lực đây (cười). Chúng tôi phải thật sự chất lượng theo đúng nghĩa thì mới mang vác được trách nhiệm chất lượng của Hội đến với cộng đồng nhiều hơn.

Cảm ơn ông rất nhiều về các chia sẻ này! Trân trọng chúc ông cùng Vinacacao và Hội chất lượng TP.HCM có nhiều tiến triển chất lượng trong tương lai!

Bài: Thiên Bình - Ảnh: Lê Ngọc Kỳ

Kết Nối Doanh Nhân chuyên đề tháng 12/2024

* Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien