top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ sáu, 19/01/2024, 14:13 GMT+7
Hải Dương, Bắc Giang quy hoạch nhiều sân golf, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình ra sao?

Hải Dương quy hoạch có tới 8 sân golf trong tổng số 13 dự án về thể thao của tỉnh này thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bắc Giang cũng quy hoạch nhiều sân golf, xác định trở thành thủ phủ sân golf. 

Nhiều tỉnh thành tiếp tục quy hoạch xây nhiều sân golf - Ảnh: HSIC

Nhiều tỉnh thành tiếp tục quy hoạch xây nhiều sân golf - Ảnh: HSIC

Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức chiều 18-1 diễn ra sôi nổi với nhiều chất vấn về việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt có câu chuyện quy hoạch sân golf.

Đất cho sân golf là đất thể thao hay đất dịch vụ?

Tại phiên giải trình, đại biểu Trần Việt Anh - ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đặt câu hỏi việc quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Thủ tướng vừa phê duyệt tháng 12-2023, ngoài các thiết chế văn hóa, du lịch, thì các thiết chế thể thao lại chủ yếu là sân golf.

13 dự án về thể thao thuộc danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2024 - 2030 có tới 8 dự án về sân golf.

Ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã giải trình về vấn đề quy hoạch này.

Ông cho biết trong quá trình xây dựng quy hoạch luôn lấy ý kiến các bộ ngành. Và các bộ ngành khi góp ý đều kế thừa các nội dung trước đây đã góp ý cho các địa phương, để hạn chế tối đa mâu thuẫn giữa các bản quy hoạch, hạn chế việc phải điều chỉnh quy hoạch.

Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận quy hoạch về thiết chế văn hóa, thể thao của các tỉnh hiện nay có sự khác biệt giữa các địa phương.

Khi xây dựng quy hoạch, có địa phương trước đây đã có thiết chế văn hóa, thể thao rồi nên không đề cập việc xây thêm các thiết chế này trong quy hoạch mới.

Có những địa phương giàu truyền thống văn hóa thì lại rất quan tâm xây dựng thêm các thiết chế văn hóa chứ không phải sân golf.

Nhưng Bắc Giang có định hướng phát triển địa phương này thành thủ phủ sân golf nên họ rất ưu tiên cho phát triển sân golf, có đến mấy sân golf trong quy hoạch.

Hải Dương thậm chí chỉ dồn tập trung vào một môn thể thao là golf nên mới có chuyện quy hoạch thiết chế thể thao có tới 8 sân golf trong tổng số 13 dự án xây dựng thiết chế thể thao của tỉnh này.

Thêm một vấn đề nữa, theo ông Phương là trong quá trình làm quy hoạch thì sân golf được xếp là công trình thể thao, nhưng golf không chỉ là thể thao mà còn là dịch vụ.

 

Các địa phương khi làm quy hoạch đều "không dám nói đó là đất quy hoạch làm dịch vụ mà lại là đất cho thể thao". Điều này khiến một số địa phương cũng khá bối rối trong ứng xử với quy hoạch.

Chuyện một số địa phương quy hoạch nhiều sân golf hơn các thiết chế văn hóa, thể thao khác, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tới đây có chiến lược quốc gia về chấn hưng văn hóa thì sẽ có sự điều chỉnh hài hòa nhất định trong phát triển văn hóa giữa các vùng trong cả nước.

Đang đưa kế hoạch đầu tư công 1.100 tỉ đồng cho Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến hỏi về việc khai thác giá trị kinh tế của Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo bà Luyến, qua 27 năm xây dựng, phát triển được đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước, vị trí đẹp, đất đai rộng lớn, nhưng không khai thác hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận có thời điểm Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam chưa được khai thác tốt. Nhưng nói làng hoàn toàn không được khai thác hiệu quả thì bộ trưởng e "bà con chạnh lòng".

Ông giải thích, khi phê duyệt dự án này thì quan điểm của Chính phủ là mong muốn nó trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đến nay đã có 16 dân tộc thiểu số có bà con đến sinh sống tại làng. Ngoài ra, hằng năm có nhiều đợt tổ chức các sự kiện tuần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chính trị rất tốt…

Hiện bộ vẫn đang tiếp tục vận động bà con các dân tộc thiểu số ra với làng và có những chính sách trợ cấp xứng đáng với đồng bào.

Về số tiền đầu tư cho làng, ông Hùng nói trong gần 20 năm, tổng vốn đầu tư nhà nước chỉ được 1.500 tỉ đồng dành cho một số cơ sở hạ tầng. Theo ông, với dự án quy mô quốc gia thì con số này rải trong gần 20 năm là nhỏ.

Nhiệm kỳ này bộ đã đưa kế hoạch đầu tư công 1.100 tỉ đồng nữa cho làng nhưng chưa được phê duyệt.

Hiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ngoài làm các nhiệm vụ chính trị thì cũng đang tích cực xúc tiến kết nối các sản phẩm, dịch vụ của bà con dân tộc thiểu số để giới thiệu tại làng, đầu tư thêm các dịch vụ…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đánh giá cao phiên giải trình đã diễn ra công khai, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.

12 ý kiến của 12 đại biểu được giải đáp ngay tại phiên giải trình. Còn ý kiến của 6 đại biểu, ông Vinh nói sẽ được giải đáp qua văn bản.

(Nguồn: Vtc.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien