top-banner-2

Chân dung Doanh nhân Thứ ba, 08/08/2023, 16:06 GMT+7
Nữ đại gia chi vài trăm tỉ đồng trở thành cổ đông lớn của Cảng Sài Gòn

Công ty TNHH phát triển dịch vụ thương mại Toàn Thắng do bà Dương Thị Dung làm giám đốc vừa trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Cảng Sài Gòn, sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Cảng Sài Gòn khai thác cảng thông qua 21 cầu cảng với chiều dài 2.969m - Ảnh: Sagonport

Cảng Sài Gòn khai thác cảng thông qua 21 cầu cảng với chiều dài 2.969m - Ảnh: Sagonport

Công ty TNHH phát triển dịch vụ thương mại Toàn Thắng vừa thông báo đã hoàn tất mua hơn 21,27 triệu cổ phiếu SGP của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn vào ngày 1-8-2023.

Với việc mua cổ phần tương ứng 9,83% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, Công ty Toàn Thắng trở thành cổ đông lớn thứ hai của Cảng Sài Gòn - sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Ghi nhận tại phiên ngày 1-8 cho thấy có khối lượng giao dịch theo phương thức thỏa thuận hơn 21,27 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị cho lô cổ phiếu này là 328 tỉ đồng, tương ứng hơn 15.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá cùng phiên (17.300 đồng/cổ phiếu).

Số cổ phần nêu trên được Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hòa Hải (tên cũ là Công ty cổ phần Bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Nam, mới đổi tên từ tháng 3-2023) bán ra. Công ty Hòa Hải có liên quan đến người nội bộ Cảng Sài Gòn là bà Đỗ Thị Minh - thành viên hội đồng quản trị.

Cá nhân bà Đỗ Thị Minh không sở hữu cổ phần tại Cảng Sài Gòn. Bà Minh được Công ty Hòa Hải đề cử tham gia hội đồng quản trị của Cảng Sài Gòn và được bổ nhiệm từ tháng 4-2021.

Trong khi đó, Công ty Toàn Thắng có địa chỉ trụ sở chính ở số 3, phố Đặng Thái Thân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Dương Thị Dung.

 

Ngành nghề kinh doanh Công ty Toàn Thắng được liệt kê như dịch vụ tắm hơi, massage, nhà hàng, kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình đường bộ, đại lý du lịch...

Ngoài Công ty Toàn Thắng vừa "thay chân" Công ty Hòa Hải, danh sách cổ đông lớn của Cảng Sài Gòn bao gồm: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với 65,45% vốn; VietinBank với 9,07%; VPBank 7,44%.

Cảng Sài Gòn là công ty với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cảng biển, có vốn điều lệ hơn 2.162 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 6-2023, công ty này có vốn chủ sở hữu 2.656 tỉ đồng, nợ phải trả 2.710 tỉ đồng.

Doanh thu trong nửa đầu năm 2023 của Cảng Sài Gòn đạt 450 tỉ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 165 tỉ đồng, giảm 15%.

Theo giải thích của ban lãnh đạo Cảng Sài Gòn, lợi nhuận gộp quý 2-2023 của công ty giảm do doanh thu cung cấp dịch vụ khai thác cảng giảm. Chưa kể lãi tiền gửi giảm, tiền lãi chậm trả tiền thuê đất của CMIT (Cảng Quốc tế Cái Mép) lại tăng so với cùng kỳ 2022...

Tình hình kinh doanh 5 năm gần đây của Cảng Sài Gòn - Nguồn: BCTC

Tình hình kinh doanh 5 năm gần đây của Cảng Sài Gòn - Nguồn: BCTC

Năm 2023, Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.250 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 555 tỉ đồng. Với kết quả đạt được, Cảng Sài Gòn mới thực hiện được 36% kế hoạch doanh thu, 30% mục tiêu lợi nhuận.

Trước đó năm 2022, doanh thu của Cảng Sài Gòn đạt 1.112 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 241 tỉ đồng, đều không thực hiện được kế hoạch cổ đông giao.

 (Nguồn: Tuoitre.vn)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien