top-banner-2

Doanh nghiệp Thứ hai, 31/07/2023, 14:52 GMT+7
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp Việt?

Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo Việt Nam trong tháng 7 liên tục tăng. Theo các chuyên gia, đây là thời cơ phát triển thị trường, nhưng cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Các nước lo tích trữ, gạo Việt Nam thắng thế

Một tuần sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) của Chính phủ Ấn Độ, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 558 USD/tấn, giá gạo bán lẻ trong nước cũng leo thang khi tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. 

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng đã kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng theo. Tại miền Tây, giá lúa trong nước nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng/kg, lên 7.000 - 7.200 đồng/kg. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên 9.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Các thương lái cho rằng, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng. Đây là thời cơ vàng để người nông dân có lãi lớn, doanh nghiệp có hợp đồng mới, doanh thu tốt.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho giá gạo trong nước. Trong bối cảnh khó khăn chung của xuất khẩu nông sản thì đây là điểm sáng, là cơ hội lớn cần doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, tận dụng. Việt Nam đang là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bởi vậy, trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, hầu hết các quốc gia khác đều “đổ dồn” sang Việt Nam, Thái Lan để tìm kiếm phương án thay thế, trong bối cảnh thời tiết biến động xấu, hiện tượng El Nino đã tác động lớn đến sản lượng lúa gạo của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu lúa gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho giá gạo Việt Nam.

Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu lúa gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho giá gạo Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan tăng đột biến. Ngày 27/7 giá gạo Việt tăng lên 558 USD một tấn, Thái Lan 603 USD, lần lượt tăng 145 USD (35%) và 205 USD (52%) so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá gạo 5% tấm Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới.

Thậm chí, các doanh nghiệp nên tính đến kịch bản giá gạo có thể tái lập mức 1.000 USD/tấn của năm 2008 trong thời gian tới.

Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia tranh mua gạo Việt. Số liệu từ Hải quan Việt Nam, nửa đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng ước đạt 539 USD một tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong 5 tháng đầu năm với khối lượng đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng tới 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm đến 40,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai. Indonesia bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm như Đài Loan (Trung Quốc) tăng 142,3%, Senegal tăng 1,1%, Chilê tăng 4,1%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15,9%...Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...

Những rủi ro cần dè chừng

Tuy coi việc Chính phủ Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu là cơ hội lớn với gạo xuất khẩu Việt Nam nhưng ông Đỗ Hà Nam cũng cảnh báo, điều này đã gây xáo trộn. Hiện nay, Việt Nam đang vào mùa thu hoạch hè thu, doanh nghiệp đang có nhiều hợp đồng nên trước thông tin bất ngờ này, doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt ứng phó.

Cụ thể, ông Nam khuyến cáo, khi giá đã lên thì sẽ xuống nhưng khi xuống thì doanh nghiệp có kịp thời bán ra được với mức giá có lãi hay không? Điều này tiềm ẩn rủi ro.

Khó khăn thứ hai theo ông Nam là vốn. Doanh nghiệp muốn thu gom một nguồn hàng lớn để phục vụ xuất khẩu thì sẽ cần nguồn vốn lớn. Vì thế doanh nghiệp cần ngân hàng hỗ trợ vốn để có thể mua số hàng lớn.

Đặc biệt, chuyên gia khuyến cáo, không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá cũng như ổn định đời sống, thu nhập cho người nông dân.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gạo lại bày tỏ lo lắng về nguy cơ đầu vào giá gạo quá cao khiến doanh nghiệp không thể thu mua với số lượng lớn.

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư & Lương thực Nguyễn Phương Thảo cho biết, giá gạo liên tục tăng trong mấy hôm nay khiến doanh nghiệp gạo lo ngại khó thu mua và nếu có mua cũng không thể mua với số lượng lớn được. "Việc ôm hàng số lượng lớn, giá cao sẽ tiềm ẩn rủi ro nếu không kịp tìm được đầu ra kịp thời. Giá gạo cao cũng khiến các doanh nghiệp khó có lãi trong bài toán kinh doanh mua đi, bán lại", đại diện đơn vị này chia sẻ. 

Ông Trần Mạnh Bảo, doanh nghiệp gạo Thái Bình cũng cho biết thêm: “Các nước trên thế giới đã ồ ạt đến Việt Nam, họ sẵn sàng trả giá nhiều hơn so với thực tế. Tuy nhiên một số doanh nghiệp của Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác từ trước đó thì họ vẫn phải tập trung để trả đủ hợp đồng. Trong tương lại gần chắc chắn giá gạo sẽ lên. Tuy nhiên, hiện nay số lượng gạo từ Việt Nam không nhiều đến mức có thể đáp ứng được mọi yêu cầu".

Theo chuyên gia nông nghiệp Hồ Văn Quảng, thực tế, dù là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu gạo để chế biến thành các sản phẩm từ gạo. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, các doanh nghiệp lâu nay mua gạo nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ quay ra thu mua gạo trong nước, điều này vô tình sẽ đẩy giá gạo lên cao, đồng thời cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá gạo biến động sau sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này, doanh nghiệp gạo Việt Nam sẽ có cả cơ hội và thách thức.

Giá gạo biến động sau sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này, doanh nghiệp gạo Việt Nam sẽ có cả cơ hội và thách thức.

Mới đây, trước động thái của Ấn Độ, để góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bình ổn giá lúa gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam...tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

(Nguồn: Vtc.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien