top-banner-2

Doanh nghiệp Thứ năm, 21/09/2023, 11:29 GMT+7
Điện gió xuất khẩu: Chờ chính sách

Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng phát triển điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sang Singapore nhưng các cơ quan quản lý vẫn đang lúng túng do chưa có cơ chế, chính sách cho việc cấp phép, triển khai đầu tư các dự án này. 

Đầu tư điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu xuất khẩu điện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng vẫn đang chờ chính sách    - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đầu tư điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu xuất khẩu điện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng vẫn đang chờ chính sách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ hoạt động xuất khẩu điện sang Singapore sẽ không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mà chỉ tập trung sản xuất điện phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Nhiều dự án ngoài khơi chờ cơ chế

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Cà Mau vừa có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề xuất về kế hoạch xuất khẩu điện các năm 2031, 2035 và 2040 lần lượt là khoảng 2.000 MW, 3.000 MW và 5.000 MW.

Các nguồn điện xuất khẩu gồm điện gió ngoài khơi, các nguồn điện gió trên bờ và gần bờ, các nguồn điện mặt trời, các nguồn điện sinh khối, hệ thống tích trữ năng lượng (BESS).

Dự án này đã có các nhà đầu tư quan tâm gồm Công ty cổ phần Điện Gia Lai, Công ty PACC Offshore Services Holdings Ltd (Singapore)... 

Theo phương án được UBND tỉnh Cà Mau đề nghị, sẽ xây dựng đường truyền tải, gồm các trạm chuyển đổi xoay chiều, đường dây cao áp một chiều trên không, đường cáp ngầm từ điểm tiếp bờ Khai Long đến Singapore với chiều dài khoảng 900km.

Tương tự, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn The Green Solution, Trà Vinh cũng bày tỏ mong muốn được triển khai dự án có quy mô xuất khẩu khoảng 1.000 MW cùng hệ thống trạm chuyển đổi, điểm đấu nối từ trạm chuyển đổi đến đường dây cáp ngầm trên biển dài trên 1.100km...

Ngoài ra, liên danh Công ty TNHH Sembcorp Utilities (SCU) và Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN cũng đề xuất được triển khai dự án với quy mô công suất xuất khẩu là 2.300 MW, có đường dây truyền tải điện từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Singapore dài khoảng 900 - 1.100km.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia VN cũng không đưa ra mục tiêu cụ thể về xuất khẩu điện, nên cần phải có chủ trương hơn mới có cơ sở triển khai thực hiện. 

Hơn nữa, quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên việc lựa chọn các vị trí điện gió ngoài khơi phục vụ cho hoạt động xuất khẩu điện gặp nhiều khó khăn. 

Phải sửa đổi, bổ sung các luật

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc xuất khẩu điện với quy mô từ 5.000 - 10.000 MW, tương ứng 3-6% tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước theo Quy hoạch điện 8, cũng như hình thành hệ thống lưới điện cao áp/siêu cao áp kết nối với các quốc gia khác là một chủ trương lớn, chưa có tiền lệ. 

"Việc này cũng liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo, lưu thông hàng hải, ngoại giao...", vị này nói.

Chưa kể, theo vị này, các vướng mắc liên quan tới quy định về điện lực khi chưa quy định việc mua bán điện với nước ngoài không qua hệ thống điện quốc gia. Luật Đầu tư cũng chưa quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nằm ngoài khu vực biển 6 hải lý như dự án điện gió ngoài khơi; chưa quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cáp ngầm vượt biển đi qua các nước Việt Nam, Malaysia, Singapore...

Ngoài ra, Luật Điện lực và luật liên quan cũng chưa quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung, trong đó có điện gió ngoài khơi. 

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cụ thể từ Bộ Chính trị về việc xuất khẩu điện quy mô lớn và giao các bộ, ngành xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa chủ trương, làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Cụ thể, giao Bộ Công Thương nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc về pháp luật điện lực nêu trên trong hồ sơ Luật Điện lực đang được thực hiện. Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT có ý kiến về thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư... 

Bộ Quốc phòng đưa ra các tiêu chí, yêu cầu để đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo trong quá trình phát triển dự án điện gió ngoài khơi...

Điều tra, khảo sát tài nguyên biển để phát triển điện gió

Trước đó, ngày 29-8, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Bộ TN&MT đã trao quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN (PTSC) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, đối tác Sembcorp Utilities Pte Ltd (Sembcorp) của PTSC cũng được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao ý định thư chấp thuận dự án này.

Sau khi nhận được giấy phép, liên danh PTSC - Sembcorp dự kiến sẽ triển khai các công tác đo gió, khảo sát biển và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết, làm căn cứ triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án.

Với việc được trao giấy phép khảo sát, PTSC là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại VN được cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

(Nguồn: Tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien