top-banner-2

Du lịch - Điểm đến Thứ năm, 31/08/2023, 10:53 GMT+7
Tại sao châu Âu là thỏi nam châm thu hút ngày càng nhiều người Mỹ đến ở?

Số người Mỹ tìm cách thoát khỏi bạo lực và xung đột chính trị ở đất nước họ tuy chưa nhiều nhưng ngày càng tăng. 

Có một dòng di cư người Mỹ sang các nước châu Âu - Ảnh: FINANCIAL TIMES

Có một dòng di cư người Mỹ sang các nước châu Âu - Ảnh: FINANCIAL TIMES

James Baldwin, một nhà văn da đen, nói về quyết định di cư của ông vào năm 1948: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình ở Pháp, nhưng tôi biết điều gì sẽ xảy ra với mình ở New York”.

Theo tờ Financial Times, gần đây ngày càng có nhiều người Mỹ chuyển đến châu Âu cũng để chạy trốn thực tại ở Mỹ.

Ước muốn ra đi khá nhiều 

Dữ liệu dân số sinh ra ở nước ngoài từ các cuộc điều tra dân số và khảo sát địa phương trên khắp thế giới của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới thu thập mới đây ước tính số người Mỹ sinh ra ở nước ngoài vào khoảng 2,8 triệu trong năm 2020, và nước Mỹ xếp thứ 26 thế giới về số lượng người di cư ra nước ngoài.

Tuy số liệu thống kê của châu Âu còn lộn xộn do các chính phủ gặp khó khăn trong việc theo dõi cư dân nước ngoài. Nhưng ở một số nước, xu hướng người Mỹ di cư đến rất rõ ràng.

Theo đó, trong năm 2022, số lượng người Mỹ ở Hà Lan tăng lên 24.000 người; ở Bồ Đào Nha con số này tăng gấp 3 lần, lên gần 10.000 người; và ở Tây Ban Nha là gần 34.000 người.

Ở những nơi khác, chẳng hạn Pháp, Đức và các nước Bắc Âu, con số này tăng trưởng vừa phải hoặc ổn định. 

Tại Anh, số lượng người Mỹ thường trú cũng ghi nhận tăng từ 137.000 năm 2013 lên 166.000 vào năm 2021.

Thực tế, ngày càng nhiều người Mỹ nói rằng họ muốn rời khỏi đất nước của mình.

Viện Gallup, một tổ chức chuyên thăm dò ý kiến, phát hiện vào năm 2018, tỉ lệ người Mỹ nói rằng họ muốn chuyển đến sống lâu dài ở một quốc gia khác đã tăng từ 11% dưới thời cựu tổng thống Barack Obama lên 16% dưới thời cựu tổng thống Trump. 

Đến năm 2022, dưới thời của Tổng thống Joe Biden, con số này là 17%.

Ước muốn là vậy, nhưng tỉ lệ người ra đi vẫn thấp, bởi việc đi đến một quê hương mới luôn đầy rủi ro về nhà ở, cuộc sống, học tập, việc làm đối với một gia đình.

Cuộc sống an lành hơn

Bà Tracy Metz, người đứng đầu Viện John Adams, một địa điểm văn hóa Mỹ - Hà Lan, cho biết: “Điều chúng tôi luôn nghe thấy là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở đây tốt hơn rất nhiều”.

Công nhân Mỹ làm việc cực nhọc 1.811 giờ/năm, người châu Âu chỉ 1.571 giờ, trong khi người Hà Lan được nghỉ ngơi đầy đủ chỉ đưa ra con số 1.427 giờ.

Theo bà Metz, sự gia tăng tiếng Anh quốc tế khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn với người Mỹ, những người nổi tiếng là kém ngôn ngữ. 28% chương trình cử nhân tại các trường đại học Hà Lan là bằng tiếng Anh. Quảng cáo việc làm trực tuyến yêu cầu tiếng Anh gần như thường xuyên như tiếng Hà Lan.

Mạng lưới an toàn xã hội vững chắc của châu Âu cũng thu hút người Mỹ.

Heather Caldwell Urquhart, một nhà văn chuyển đến Lisbon vào năm 2021, cho biết ở Mỹ cô phải nhận một công việc văn thư ở Massachusetts chỉ để có được bảo hiểm y tế.

Ở Bồ Đào Nha, cô và gia đình phải trả một phần nhỏ so với chi phí một chương trình bảo hiểm tương đương của Mỹ. Cô nói: “Chúng tôi đã không nhận ra cơ cấu xã hội của Mỹ bị chia cắt như thế nào cho đến khi đến đây".

Các nước châu Âu cũng thiết lập những chính sách hấp dẫn đối với người nước ngoài.

Hà Lan cho phép các công ty miễn thuế 30% thu nhập lao động nước ngoài có tay nghề. Ở Bồ Đào Nha, thị thực cư trú yêu cầu thu nhập chỉ cần bằng 150% mức lương tối thiểu quốc gia.

Trong khi đó, Ý đặt mục tiêu thu hút “những cá nhân có giá trị ròng cao” bằng cách cho phép trả tối đa 100.000 euro tiền thuế thu nhập mỗi năm bất kể họ kiếm được bao nhiêu.

Pháp có sự miễn trừ thuế đối với các giám đốc điều hành doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên Đức không có.

Amanda Klekowski von Koppenfels thuộc Đại học Kent, một chuyên gia về cộng đồng người Mỹ hải ngoại, cho biết "có một sự thay đổi". Người Mỹ từng cảm thấy đất nước của họ là quốc gia cho người nhập cư, và rời đi nơi khác có vẻ kỳ lạ. 

Nhưng giờ đây họ nhận thức được rằng châu Âu có những lợi thế của mình: “Chăm sóc sức khỏe tốt, giao thông tốt hơn, ít bạo lực súng đạn hơn, có sự phân biệt chủng tộc nhưng ít nguy hiểm hơn rất nhiều”.

Người Mỹ vẫn giàu hơn người châu Âu, nhưng theo một cách nào đó, họ ghen tị với sự tự do của người châu Âu, nhận định của tờ Financial Times.

(Nguồn: Tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien