top-banner-2

Sự kiện Thứ tư, 17/07/2024, 14:10 GMT+7
Hàn Quốc đề xuất hợp tác đường sắt tốc độ cao với Việt Nam

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang vừa tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sang Woo về tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT, bao gồm đường sắt tốc độ cao.

han-quoc-de-xuat-hop-tac-duong-sat-toc-do-cao-voi-viet-nam

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và Bộ trưởng Bộ MOLIT Hàn Quốc Park Sang Woo thống nhất sẽ tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT, trong đó có đường sắt tốc độ cao - Ảnh: Báo GT

Hợp tác làm đường sắt tốc độ cao

Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã dành thời gian tiếp đoàn, Bộ trưởng Park Sang Woo đánh giá: Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển rất cao. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất tăng cường hợp tác, vì vậy, Hàn Quốc mong muốn có nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MOLIT đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đây là cơ sở để hai bên có những hợp tác cụ thể. Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị tới đây hai Bộ có thể ký các MOU trong từng lĩnh vực như đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải.

"Thông qua việc ký MOU, chúng tôi hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao", Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á (sau Nhật Bản) phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Hàn Quốc cũng là một điển hình trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao.

Về các MOU ở các lĩnh vực GTVT khác, phía Hàn Quốc đề nghị phía Bộ GTVT Việt Nam đề xuất nội dung cụ thể như: Đào tạo huấn luyện cho kỹ sư, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, công nghệ, hai bên triển khai khảo sát tiền khả thi đối với một số dự án…

Cảm ơn Bộ MOLIT đã có nhiều hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực GTVT thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao sự phát triển của Hàn Quốc trong việc phát triển đô thị và giao thông đô thị, giao thông thông minh.

"Trong bối cảnh của Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển đô thị, đặc biệt là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, sự chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc rất quan trọng. Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được từ Hàn Quốc từ những kinh nghiệm thành công và cả những bài học mà Hàn Quốc đã có", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói và nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Park Sang Woo về việc ký MOU theo từng lĩnh vực.

Đề nghị Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về làm đường sắt đô thị

Trong lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng đề nghị Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm về đầu tư phát triển, khai thác hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hỗ trợ Việt Nam về tiếp nhận, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng mong muốn Hàn Quốc quan tâm hợp tác đầu tư đối với những dự án lớn của ngành hàng không, hàng hải như: Dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự án xây dựng các cảng biển của Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ GTVT hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập Quỹ thúc đẩy phát triển kinh tế (EDPF) nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Đây được đánh giá là một nguồn huy động vốn ODA thế hệ mới với mức ưu đãi cao, linh hoạt về điều kiện vay và không ràng buộc điều kiện trong quá trình đấu thầu.

Trên cơ sở biên bản hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phía Hàn Quốc xem xét, tài trợ nguồn vốn EDPF nhằm triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới như: Dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với Lào (QL12A, QL12C, QL15D, QL49).

Bộ GTVT hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án giao thông thông minh tại các đường cao tốc của Việt Nam. Cùng đó, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện và các hạ tầng liên quan nhằm thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông, mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bên thống nhất tiếp tục trao đổi, hiện thực hóa các hợp tác cụ thể thời gian tới và bày tỏ tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien