top-banner-2

Sự kiện Thứ tư, 07/02/2018, 20:45 GMT+7
Nét văn hóa đẹp của người Việt trong hoạt động 'Xin chữ đầu năm'

Theo quan niệm của người xưa, tục khai bút đầu xuân - xin chữ đầu năm mang ý nghĩa linh thiêng và thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc.

xin-chu-dau-nam-1

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…”

Theo quan niệm của người xưa, tục khai bút đầu xuân - xin chữ đầu năm mang ý nghĩa linh thiêng và thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc.

Tục cho chữ, xin chữ xưa và nay

Chơi chữ chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị giành cho tất cả mọi người cứ mỗi độ xuân về. Thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới, đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống, thể hiện “Tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn của người dân dành cho năm mới may mắn, bình an, một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ cha ông chúng ta đã tiếp nhận loại chữ tượng hình độc đáo và đã dùng nó làm phương tiện giao tiếp truyền bá trí thức và nâng cao dân trí tuyển chọn nhân tài góp phần xây dựng nền văn hiến của dân tộc. Ở đó có biết bao con người nổi tiếng văn hay chữ tốt làm rạng danh cho sử sách như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Siêu, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát… Vẻ đẹp cổ kính của chữ Nho qua các loại hình rất phong phú và đa dạng, đó là những câu nói gửi gắm được tâm tình, ý chí khát vọng và nhân cách của cổ nhân từ ngàn đời, sẵn sàng đem lại niềm vui, niềm xúc động cho mọi nhà, mọi người trong mỗi dịp đình đám, hiếu hỷ, lễ Tết. Mỗi chữ, mỗi câu của các cụ được treo trang trọng trong nhà vừa đẹp mắt vừa là niềm vui khuyến khích con cháu gắng học làm người.

Tục xin chữ ngày Xuân cùng hình ảnh ông đồ già với bút, mực ngồi trên phố cho chữ mỗi khi Tết đến như một biểu tượng bất diệt của sức sống văn hóa ngàn đời, một nét đẹp văn hóa truyền thống, đưa mọi người trở về với nét phong tục xưa, với cái Tết xưa ấm cúng.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”

Ông đồ như một chuẩn mực về lễ giáo, còn người xin chữ về thờ trong nhà là người biết lễ nghi, trọng đạo thánh hiền. Xin chữ không chỉ là xin những may mắn, tài lộc cho người đi xin mà còn là sự thưởng thức tài năng của người "có chữ".

Xin chữ là do ý nguyện của người muốn xin, xem họ dự định làm những việc gì, ý hướng ra sao. Tùy theo mỗi người mà có chữ khác nhau. Đây chính là đặc điểm rất quan trọng của văn hóa xin chữ. Không phải chỉ có mấy chữ thông dụng, "đức", "nhẫn", "đạt", "tâm", mà để xin được một chữ, thì cả người xin lẫn người cho đang thực hành một hoạt động giao tiếp văn hóa.

Không biết tự bao giờ, người ta đặt cho phố Văn Miếu cái tên “phố ông đồ”. Ngày đầu xuân thong dong, du khách đổ về “phố ông đồ” để xin chữ, viết câu đối với những ước mơ, hy vọng đầu Xuân được gửi gắm vào những câu, những chữ ấy.

xin-chu-dau-nam-2

Để giữ nguyên nét đẹp xin chữ

Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.

Ngày xưa, nhiều cụ đồ tìm ra vỉa hè hay đầu làng ngồi cho chữ ngày xuân là một thú vui tao nhã, muốn đem cái đạo học để dạy cho người đời, cũng là để thể hiện tài năng của mình. Xin chữ trong truyền thống xa xưa là cả một lễ nghi nghiêm trang gần như có thủ tục. Ông đồ của làng thường là một nhà nho được cả làng trọng vọng về tài năng cũng như đạo đức, người ta còn đón cả ông đồ về nhà mình cung phụng, để lo dạy chữ cho con. Để xin chữ hay xin ông đồ viết câu đối treo trong nhà trong ngày đầu năm là cả một việc trọng đại của gia đình. Người đi xin chữ phải ăn mặc chỉnh tề, mang lễ lạt đến một cách nghiêm trang để nhờ thầy đồ cho chữ về treo. Mỗi chữ được viết ra là một món quà mang đến phúc lộc, may mắn, cũng là thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Cái chữ và đạo thánh hiền luôn được coi trọng như vậy.

xin-chu-dau-nam-4

Thời gian gần đây, phong trào xin chữ về treo trong nhà ngày càng thịnh. Không chỉ những người có kinh nghiệm chơi chữ, các gia đình đi xin câu đối Tết, mà giới trẻ cũng rủ nhau đi xin chữ, có những người thực sự đam mê và trân trọng vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một chữ có ý nghĩa về treo trong nhà mặc dù không hiểu nhiều lắm ý nghĩa của chữ.

Những dòng chữ đầu năm được lồng trong đó tâm tư, ý nguyện của người muốn sở hữu nó, bây giờ xin chữ không quá cầu kỳ như xưa kia, những người "có chữ" cũng được nhiều người biết đến mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cho chữ, xin chữ đã trở thành một tập tục đẹp vẫn được duy trì trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, chính cuộc sống hiện đại lại đôi khi làm người ta xin chữ để cầu lợi ích trước mắt mà ít chú ý tới giá trị nhân văn cao đẹp ẩn chứa trong mỗi câu, chữ.

Theo TS.Trần Trọng Dương, “Ngày nay nhiều người đơn giản hóa việc xin chữ. Mình cần cái "tài", cái "đăng khoa", cái "lộc", cái "phúc" thì đến xin thẳng người viết. Sự xin cho hơi giản tiện và đôi khi đơn chiều khiến cho chữ nghĩa cũng ít sâu sắc hơn. Sự giản tiện tuy ăn nhịp với nhịp độ cuộc sống hiện đại, nhưng không làm con người gần nhau hơn”.

xin-chu-dau-nam-3

Tết đến Xuân về người người lại rủ nhau đi xin chữ cầu may đầu năm. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, mọi người vẫn nhớ tới nét đẹp văn hóa này là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc xin chữ và cho chữ cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này.

Mai Vy (Tổng hợp)

Theo Ấn phẩm Kết Nối Doanh Nhân T2/2018


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien