top-banner-2

Vì cộng đồng Thứ ba, 22/08/2023, 10:25 GMT+7
Giá dầu thế giới giảm, vì sao giá xăng trong nước vẫn tăng?

Giá xăng trong nước ngày 21/8 được điều chỉnh tăng trong bối cảnh giá dầu thế giới có xu hướng giảm khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.

Phân tích nguyên nhân giá dầu thế giới giảm nhưng giá xăng bán lẻ trong nước lại tăng, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ cho biết, giá xăng dầu trong nước liên quan đến giá dầu thô thế giới, rồi từ giá dầu thô qua chế biến sẽ ra giá xăng dầu thành phẩm của thị trường Singapore.

Hiện giá xăng dầu của Việt Nam có sự liên thông chặt chẽ nhất với giá xăng dầu của thị trường Singapore vì nhập khẩu trực tiếp từ đó chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá dầu thô thế giới. Ngoài ra, giá dầu thô thế giới giảm nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn có thể tăng bởi vì biến động muộn hơn giá dầu thô khoảng 30 ngày.

"Ví dụ, lúc dầu thô cao nhất 87 USD/thùng, mình mua về cho vào nhà máy lọc ra dầu thì sản phẩm bán ra giá thấp nhất phải bằng 87 USD. Nhưng một tháng sau, giá dầu thô có thể giảm về 75 USD/thùng, lúc đó không phải chúng ta giảm ngay lập tức mà phải khi nào bán hết lượng mua về với giá cũ mới giảm giá theo thị trường thế giới. Tóm lại, giá xăng dầu của Việt Nam được quyết định phần nhiều bởi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore”, ông Dũng nói.

Giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng từ chiều 21/8. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng từ chiều 21/8. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Số liệu của Bộ Công Thương cũng đã cho thấy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/8/2023 và kỳ điều hành ngày 21/8/2023 có xu hướng tăng. Cụ thể: 102,763 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 3,128 USD/thùng so với kỳ trước); 108,383 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,128 USD/thùng); 116,528 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,664 USD/thùng); 116,722 USD/thùng dầu diesel (giảm 0,365 USD/thùng); 544,317 USD/tấn dầu mazut (giảm 4,049 USD/tấn).

Do đó, theo ông Dũng, giá xăng trong nước ngày 21/8 tăng là hợp lý.

Tương tự, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) cho biết, những phiên gần đây, giá dầu thô thế giới tăng giảm đan xen. Dư luận thường cho rằng nhà điều hành sẽ căn cứ vào diễn biến của giá dầu thô để điều hành giá xăng dầu trong nước. Nhưng thực tế là phải căn cứ vào giá dầu thành phẩm mới quyết định được.

“Cơ quan quản lý sẽ dựa vào giá xăng dầu thành phẩm nhập từ Singapore để điều hành giá trong nước, đưa vào công thức tính giá cơ sở xem chênh lệch bao nhiêu rồi điều chỉnh tăng giảm, sau khi đã trích lập hay chi quỹ bình ổn. Như vậy, giá xăng dầu trong nước không phải phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu thô thế giới, không nhất thiết giá dầu thô thế giới giảm thì giá trong nước cũng phải giảm theo”, ông Phương nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, phân tích thêm: “Chúng ta có công thức tính giá xăng dầu chu kỳ 10 ngày/lần và trong chuỗi 10 ngày ấy, có 8 ngày giá dầu lên, nhưng chỉ có 2 ngày giá dầu giảm thì chúng ta phải cộng lại chia bình quân 10 ngày để ra giá bán lẻ xăng dầu. Nếu giá dầu vẫn tăng so với trước kỳ điều hành thì sẽ được áp vào công thức để tính giá”.

Cũng theo ông Bảo, giá xăng dầu của Việt Nam không điều hành theo ngày nên nhiều khi dư luận cho rằng chúng ta đi ngược với thế giới là không đúng.

“Trên thế giới ngày nào xài ngày đấy, còn chúng ta lấy giá của 10 ngày để chia bình quân. Trừ trường hợp trong 1-2 phiên cuối của 10 ngày, giá dầu thô giảm thật sâu thì sẽ tác động mạnh đến giá thành phẩm và giá bán lẻ trong nước. Trường hợp giá dầu trước kỳ điều hành giảm sâu, nhưng sát kỳ điều hành lại tăng, nếu chia bình quân giá vẫn giảm thì sẽ được điều hành giảm”, ông Bảo nói.

Tại kỳ điều hành chiều 21/8, giá xăng E5 RON92 tăng lên mức 23.339 đồng/lít, xăng RON95 lên 24.601 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 71 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, xuống mức 22.354 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu hỏa tăng 420 đồng/lít, lên 22.309 đồng/lít và dầu mazut tăng 313 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.981 đồng/kg 

Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: những lo ngại xoay quanh hoạt động kinh tế yếu của Trung Quốc, sự tăng giá của đồng USD, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, Trung Quốc sử dụng dầu dự trữ để ngăn chặn việc OPEC+ cắt giảm nguồn nhằm đẩy giá dầu đi lên…Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 11/8 đến 20/8 có biến động tăng giảm đan xen.

Giá dầu thế giới tăng nhẹ

Lúc 6h30 ngày 22/8, giá dầu WTI giao dịch ở mức 80,91 USD/thùng, tăng 0,19 USD/thùng trong khi dầu Brent giao dịch mức 84,46 USD/thùng, tăng 0,02USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá dầu thô thế giới hôm nay tăng nhẹ.

Giá dầu thô thế giới hôm nay tăng nhẹ.

Giá dầu hôm nay tăng trong bối cảnh Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu thô để dự trữ. Giá dầu thô tăng trong nhiều tháng qua bởi sự cân bằng chặt chẽ giữa nguồn cung và nhu cầu cao. Đồng thời, OPEC và Nga cùng lúc cắt giảm sản lượng để đáp ứng nhu cầu tốt hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch. Ả rập Xê út cho biết trong tháng này sản lượng của họ sẽ duy trì khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày, cắt giảm khoảng 1 triệu thùng cho đến hết tháng 9.

Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm 2%, phá vỡ chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp trước những lo ngại về tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu về dầu mỏ, trong khi khả năng Mỹ tăng thêm lãi suất cũng làm lu mờ nguồn cầu.

(Nguồn: Vtc.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien