top-banner-2

Vì cộng đồng Thứ hai, 05/06/2017, 11:25 GMT+7
Hành trình Hạnh phúc: Cây súp lơ trong ký ức tôi

Cuộc thi viết “Hành trình Hạnh phúc” được tổ chức bởi Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Hà Nội – JCI Hanoi, cùng với Dự án Sách và Hành động.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/3/2017 đến ngày 31/8/2017 với gần 30 giải thưởng, tổng giá trị lên tới 145 triệu VNĐ tiền mặt. Cuộc thi là nơi để mọi người dân Việt Nam sẻ chia những khoảnh khắc, kể lại những cảm nhận, hoặc đưa ra những quan điểm, góc nhìn đóng góp vì một cộng đồng hạnh phúc hơn!

Xem thêm thông tin cuộc thi tại: www.hanhtrinhhanhphuc.org

 

Ngày tôi còn bé, khi đi làm về mẹ tôi lúc nào cũng chỉ kịp thay vội bộ đồ đi làm đầy bụi đời rồi lại tất tả vào bếp để đến với công việc thứ hai: đầu bếp của gia đình. Tôi khi ấy có lẽ chỉ mới bốn, năm tuổi, thích nhìn và phụ mẹ làm bếp lắm, liền lon ton chạy xuống bếp vòi mẹ cho tôi giúp. Mẹ nhìn bàn tay chút xíu của tôi, mỉm cười, rồi đưa cho tôi mấy củ nghệ mới gọt xong bảo tôi đi rửa lại giúp mẹ.

Đoán xem chuyện gì xảy ra?

Tôi ‘lủm’ mất một củ, đã vậy còn chìa mấy củ còn lại ra thích thú reo lên, “Cà rốt này vị gì ngộ ghê á mẹ ơi, nhưng mà cũng ngon nè!”

Vẻ mặt mẹ nhìn tôi như thể không biết nên bỏ qua hay nên mắng tôi. Tôi có thể thấy mặt mình tái đi vì ánh nhìn của mẹ. Mẹ tôi là một người nghiêm khắc và làm việc theo nguyên tắc đến mức một đứa con nít bé tí như tôi ngày đó đã có thể nhận ra. Và với những kí ức còn sót lại thì tôi nghĩ rằng mẹ chưa bao giờ khen tôi kể cả khi tôi thường giúp đỡ mẹ việc nhà, hay khi được cô giáo khen về khả năng tiếp thu nhạc tốt của mình.

Giấu những mẩu nghệ còn lại sau lưng, tôi đã sẵn sàng nghe mẹ la thì mẹ chỉ lắc đầu rồi lôi từ trong giỏ đi chợ ra củ khác và bắt đầu gọt.

Một lần khác, lại tiếp tục câu chuyện làm bếp, tôi lúc này lớn hơn một chút, vừa thấy mẹ về tới nhà đã chạy ra xách đồ vào nhà phụ mẹ. Hôm đó mẹ mua súp lơ về luộc chấm mắm kho quẹt. Tôi hồn nhiên lôi cây bông cải màu xanh thẫm đó ra, hai bàn tay nắm lấy cuống rồi tung chân bước đi, mồm hát rêu rao bài hát đám cưới.

Giọng mẹ vọng lên từ dưới bếp, “Bé Minh đem bông cải xuống đây cho mẹ đi!”

Tôi dạ một tiếng rõ to rồi chuyển hướng ‘lễ đường’ về phía bếp. Nghe tiếng hát lơ lớ của tôi vang mỗi lúc một gần, mẹ nghiêng đầu ra khỏi bếp, ngạc nhiên ngó ra đứa con gái vừa đi từng bước như hành quân vừa hát nhạc nền cho lễ cưới. Tôi hồn nhiên tuyên bố, “Sau này khi nào làm đám cưới con sẽ cầm bông cải giống như vầy nè!”

Ngạc nhiên thay, mẹ cười rồi ‘cướp’ mất đóa hoa cô dâu từ tay tôi, đoạn mẹ bảo tôi quét nhà trên đi trong khi mẹ nấu cơm. Được giao nhiệm vụ quan trọng mới, tôi quên luôn sự tích bông cải ấy.

***

Còn một tuần nữa là tới ngày tôi làm đám cưới. Đáng lý ra thời gian này tôi phải ở bên mẹ nhiều hơn. Thế nhưng vừa đi làm vừa lo đủ chuyện cho sự kiện quan trọng ấy, tôi không còn thời gian để thở, chứ đừng nói là ăn một bữa cơm với mẹ.

Chồng sắp cưới của tôi biết được điều đó, thế là vào buổi chiều ba ngày trước đám cưới, anh ấy đã gọi điện và nói, “Nè, tối nay em ở nhà mà ăn cơm với mẹ đi. Sắp dọn ra riêng mà cứ đi mất dạng như vậy không sợ mẹ buồn à?”
“Được rồi em biết rồi, anh cứ ca cẩm như ông lão vậy ấy!”

Tôi chỉ ậm ừ cho qua chứ không nghĩ mình sẽ làm theo lời anh. Tôi có thể hiểu vì sao mẹ tôi lại thích Lãm đến vậy. Anh ấy đúng kiểu đàn ông mẹ tôi thích. Biết quan tâm, hay nghĩ cho người khác dù đôi khi anh lại hay kiểm soát quá mức. Tôi cũng chẳng vừa gì, luôn tự quyết định chuyện của mình bất chấp ý anh, trừ khi chuyện đó ảnh hưởng đến cả hai đứa. Vậy nên mẹ luôn nói, “Chả hiểu làm sao mà hai đứa ở với nhau được đến lúc này!”

Tôi biết tại sao chúng tôi có thể ở được bên nhau, vì cả hai có nỗi thấu hiểu, đồng cảm chung: cả hai đều có gia đình không hề trọn vẹn. Tôi không còn ở với ba từ khi mười tuổi, anh cũng bị mẹ mình bỏ rơi từ khi thơ ấu. Hai chúng tôi đều biết rõ rằng vì đó mà mỗi đứa mang theo trong mình khoảng trống không ai bù đắp được, cả hai đều muốn con cái sau này của mình có được gia đình đầy đủ cha mẹ, là nơi bảo bọc, nuôi nấng và cho chúng những giấc mơ đẹp khi chìm sâu vào giấc ngủ.

Lãm nghe qua giọng tôi là hiểu tôi sẽ chẳng nghe lời đâu, anh sẵn giọng, “Đợi ba mươi phút nữa anh qua công ty vác em về với mẹ!”

Cứ thế anh cúp máy. Không thể tin được! Không khéo anh còn thương mẹ hơn cả tôi mất. Cũng phải thôi, mẹ tôi đối với anh không khác gì với con trai mình, chưa bao giờ anh có được sự dịu dàng chỉ có ở một người mẹ mà.

Thật ra, mẹ tôi không giỏi thể hiện cảm xúc ra ngoài. Mẹ không bao giờ tỏ ra hài lòng về tôi dù tôi có cố gắng đến đâu. Một thời gian dài tôi cứ đinh ninh rằng mình là con nuôi của mẹ, nhiều lúc hai mẹ con tranh luận gay gắt, tôi tức giận đến nỗi đi giám định ADN, tôi lấy tóc của mẹ rồi bí mật đến Trung tâm Di truyền để xét nghiệm thử. Ấy vậy mà đứng trước cổng Trung tâm Di truyền tôi lại quay xe đi về. Khi bình tĩnh, tôi lại thấy không đáng. Dù tôi có thật sự được nhận nuôi đi nữa thì tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có được người mẹ nuôi sẵn lòng dành trọn mọi thứ cho mình như vậy.

Nửa tiếng sau điện thoại tôi rung lên báo có tin nhắn. Lãm đã đứng sẵn dưới cổng công ty. Thở hắt một tiếng mệt mỏi, tôi thu dọn đồ đạc rồi về nhà cùng anh.

Về đến nhà, Lãm thả tôi trước cổng rồi phóng xe đi, bảo rằng còn phải kiểm tra một số thủ tục đặt sảnh. Đẩy cửa vào nhà, tôi nghe thấy mùi bông cải xào thơm phức tỏa ra từ bếp.

“Thơm quá mẹ ơi, lâu rồi con mới nghe được mùi này đó!”, tôi nói với vào.

“Mẹ còn để dành bông đẹp nhất, to nhất cho con cầm vào cuối tuần nè!”, mẹ tôi đáp lại.

Tôi hơi khựng người, chẳng phải tôi đã cho mẹ xem bó hoa lộng lẫy mà tôi chọn được cho đám cưới rồi sao? Không lẽ mẹ tôi lại mau quên đến vậy sao? Bất chợt, trong lòng tôi bùng lên cơn giận không rõ nguồn cơn. Có thể do mẹ không chịu nhớ rằng tôi đã nhờ mẹ lựa hoa cưới, có thể do mẹ chẳng chịu nhìn lấy một lần mà cứ thế nói rằng mẹ không ưng mẫu nào, có thể là do cơn căng thẳng ngày cưới cận kề, có thể tôi đang lo lắng vì tuổi trẻ sắp kết thúc bằng chiếc nhẫn ở ngón áp út. Tôi có thể nói mình đã sẵn sàng để lấy Lãm, tôi chỉ không thể khẳng định rằng tôi không nhung nhớ tuổi xuân đã qua. Tất cả những lí do ấy đều có thể là nguyên cớ của sự tức giận này, tôi nghĩ vậy.

hanh-trinh-hanh-phuc-cay-suplo-trong-ki-uc-1

“Mẹ nói gì vậy? Con vừa cho mẹ xem những mẫu hoa cưới rất đẹp vào hôm qua, mẹ không chịu chọn cho con thì thôi giờ mẹ lại còn đề cập tới chuyện này làm gì nữa?” – tôi gắt lên ầm ỹ.

Mẹ không trả lời. Không phải tôi không biết mình vừa hỗn với mẹ, chỉ là tôi đang nóng hết gáy lên và sự yên lặng của mẹ chỉ khiến cho mọi việc tệ hơn. Trong đầu tôi bắt đầu có suy nghĩ, không lẽ mẹ coi việc chọn hoa cưới là không quan trọng, không đáng để mẹ quan tâm hay sao? Hay mẹ chỉ đơn giản là không thèm đếm xỉa tới những quyết định của tôi như mọi lần? Thật sự đấy, đây là đám cưới của tôi, chỉ có một lần trong đời, không lẽ mẹ không thể tỏ ra có chút hứng thú sao?

“Con không ăn cơm đâu, mẹ chờ anh Lãm qua mà ăn cùng!” nói rồi tôi xoay người bỏ đi, không cần nghe lời đáp từ mẹ.

Đi lên phòng tôi đóng sầm cửa lại. Đây thực sự là cách mà một cô dâu tương lai sẽ cảm nhận trước ngày trọng đại của đời mình sao? Bị bỏ quên, bản thân không có chút giá trị, không được phép coi trọng bản thân mình hơn người khác dù chỉ một lần?

***

Ba tiếng sau, đúng chín giờ tối, tôi thức dậy với cái bụng rỗng không kêu rồn rột. Tôi vẫn nằm ườn ra đó, tự cho mình thời gian chào đón nỗi cô đơn cứ ngỡ đã không còn dằn vặt tôi nữa trở lại trong lòng. Kể từ năm mười lăm tôi đã luôn thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình, với người mẹ không bao giờ hài lòng về đứa con gái duy nhất và nỗi mặc cảm về sự vô dụng của mình. Đến tuổi đi làm tôi đã bỏ qua được những suy nghĩ ấy để cố gắng làm lụng dành dụm cho tương lai, để lo cho mình và mẹ, bất chấp mẹ tôi có cần đến tôi hay không. Dù buồn mẹ đến mấy thì tôi cũng không bao giờ quay lưng với mẹ.

Kể cả bây giờ khi nằm đây một mình trong bóng tối, tôi cũng không bắt mình không nghĩ đến mẹ được. Tôi thương mẹ tôi hơn bất kì ai, đó là sự thật bất biến. Sau này dù có dọn tới căn hộ tôi và Lãm đã tích góp để mua được thì mỗi ngày tôi biết mình cũng sẽ ghé qua nhà mẹ một chút. Mẹ là một hằng số trong cuộc đời mà tôi không bao giờ thỏa mãn được, theo toán học mà. Dù vậy thì tôi biết mình vẫn sẽ mãi sống trong vùng lân cận của hằng số ấy.

Đúng lúc tôi gom đủ sức ngồi dậy để rời khỏi phòng thì một tiếng cười sảng khoái từ dưới nhà vọng lên. Giọng của Lãm. Hay thật, cô dâu của anh ấy đang chán nản mà anh ấy vẫn có thể cười đùa vui vẻ như vậy.

“Mẹ nói, hồi xưa Minh bảo sẽ cầm súp lơ trong đám cưới à? Sao con không nghe Minh nói gì về chuyện này vậy?” anh hào hứng nói.

Chuyện gì vậy? Tôi từng nói như vậy sao? “Mẹ nghĩ con bé quên mất rồi. Nhưng có những chuyện một người mẹ không bao giờ quên được. Giờ mẹ đi lên phòng, con kêu con bé dậy rồi hai đứa ăn cơm đi. Trễ quá rồi!”

Tiếng kéo ghế báo tôi biết mẹ sắp sửa đi lên lầu. Vội vàng khép cửa lại, tôi áp tai chờ đợi cửa phòng mẹ đóng rồi mới lách người ra khỏi phòng. Rửa mặt mũi lại cho tỉnh táo, tôi bước xuống nhà. Vừa định sẵn giọng mỉa mai Lãm vì không gian thân thương tràn ngập tình cảm mẹ con vừa rồi giữa hai người, tôi bị người chồng sắp cưới mặt mày đằng đằng sát khí đón đầu. Anh đứng chống nạnh nhìn xuống tôi nhíu mày không hài lòng, à không, phải nói là thất vọng mới đúng. Tôi biết rất rõ vẻ mặt này của anh.

hanh-trinh-hanh-phuc-cay-suplo-trong-ki-uc-2

“Sao em lại có thể đối xử với mẹ như vậy vào những ngày cuối hai mẹ con còn ở bên nhau vậy?” anh chỉ hỏi có thế nhưng lại khiến máu nóng trong tôi sôi sục trở lại.

“Xem ra mẹ còn thương anh hơn cả em nữa. Hai người vừa cười nói vui vẻ lắm sao giờ anh lại nổi cộc với em? Chứ em bảo anh phải làm gì?” Nổi nóng lên hay tỏ ra thất vọng trước mặt mẹ sao? Mẹ đang buồn, anh phải động viên mẹ bằng cách cố cười lên. Anh phải làm chuyện mà đáng lẽ ra em là người phải làm. Có bao giờ em nghĩ đến mẹ chưa?” anh nói nhỏ nhẹ nhưng cơn giận anh đang kiềm giữ thì không cách nào giấu được.

“Nực cười khi anh lại hỏi em câu đó, khi anh đã biết em dành cả cuộc đời để suy nghĩ cách làm mẹ tự hào về em!” tôi hạ giọng, hi vọng đoạn đối thoại này ở yên trong bếp.

Lãm thở hắt ra. Không nói không rằng anh đi lại bàn ăn, tôi nhìn theo mà không thể tin được vào mắt mình. Lại thêm một người quyết định lờ tịt tôi đi, người mà tôi đã đồng ý ở bên trong phần đời còn lại.

“Anh đừng có mà im lặng với em. Mẹ em…”

“Em thử yên lặng mà nghe cái này đi!” anh gắt lên, tay lướt trên màn hình điện thoại.

Dường như tìm thấy thứ cần thiết, anh ấn ngón cái lên màn hình, và giọng nói của mẹ vang lên. Tuy nhiên có gì đó là lạ với cách mẹ nói. Mẹ tôi đang say à? Không có cách giải thích nào khác hết, vì giọng mẹ kéo dài ra chứ không rõ ràng dứt khoát như mọi ngày. Mẹ tôi tửu lượng mạnh kinh khủng, mẹ hẳn phải uống nhiều lắm mới đến mức này.
“Cô không biết nhờ con như vầy có quá đáng không, nhưng cô cần con phải hứa với cô một điều…”

“Dạ cô cứ nói ạ, con sẽ nghe thật kĩ!”

Là giọng Lãm. Hẳn mẹ đã gọi cho anh trong lúc say. Căn cứ vào cách xưng hô thì chắc cuộc đối thoại này đã lâu lắm rồi.

“Cô chỉ có đứa con duy nhất là con bé Minh. Cô lúc nào cũng khó khăn với nó cả, vì cô thương nó. Cuộc đời cô đã không thuận lợi, cô đã bao nhiêu lần muốn buông bỏ, chỉ có con bé mới níu cô lại được. Cô muốn nó phải vững chãi hơn cô, để bảo vệ được cho con nó. Cô không nghĩ con là người sẽ khiến con bé đau, nhưng con hãy hứa với cô sẽ yêu thương nó thật lòng. Cô chỉ cần con hứa với cô như vậy…”

“Con hứa với cô sẽ không bao giờ để Minh phải khổ. Con có thể hứa với cô như vậy!”

Khi đó anh Lãm mới hơn hai mươi. Làm sao anh ấy có thể nói một cách tự tin dõng dạc như vậy?

“Con bé Minh là tất cả với cô, con bé là báu vật của cô. Cô sẽ bảo vệ nó, con hiểu cô phải không?”

Tiếng anh Lãm bị át bởi những giọng nói khác. Mắt tôi nhòe đi. Tôi biết điều anh Lãm đã nói, vì có vẻ tôi đã nhớ chuyện này xảy ra lúc nào. Nhưng những điều đó đã được thể hiện bằng tình yêu chân thành anh dành cho tôi. Điều khiến tôi không cầm được nước mắt chính là những lời mẹ đã nói. Mẹ phải uống rất nhiều mới nói được những điều đó, điều mà ngày thường mẹ không bao giờ nói ra. Đó là những lời mà ba mẹ nào cũng dùng để bày tỏ tình yêu thương của họ với con cái mình, duy mẹ tôi lại không. Sống hơn hai mươi lăm năm, chỉ tận lúc này tôi mới nghe được, không phải từ mẹ mà từ điện thoại của Lãm.

Tôi cảm thấy mình quá mong manh và bé nhỏ. Bạn thiếu vắng điều gì quá lâu đến nỗi bạn nghĩ rằng sẽ không bao giờ bạn có được nó, đến khi nó thực sự xảy ra thì chẳng khác gì bao nhiêu xúc cảm trên đời dồn hết vào trái tim bạn.

Tôi ôm chầm lấy Lãm, rưng rức khóc như một đứa trẻ.

***

Ba Lãm nhìn tôi cầm cây súp lơ đẹp nhất tôi có thể tìm được đứng trước sảnh để chào khách, khóe môi ba hơi nhếch dù gương mặt vẫn nghiêm nghị như thường ngày. Bạn bè tôi thì chỉ cười phá lên vì họ đã quá quen với những hành động khác người của tôi rồi. Lãm mỉm cười đầy tự hào, đủ để tôi hiểu rằng anh thực sư yêu cô gái ngang ngược bất chấp đời như tôi. Người ngạc nhiên nhất có lẽ là mẹ tôi, thậm chí mẹ còn mắng khẽ tại sao tôi lại dám cầm cây bông cải đó khi làm lễ.

Tôi đã nắm lấy tay mẹ và nói, “Con đang thực hiện lời hứa với chính mình khi còn nhỏ mà con đã quên mất. Nếu hứa với chính mình mà không thực hiện được thì làm sao con thực hiện được bất kì lời hứa nào với mẹ?

Đó cũng là lần đầu tiên tôi có thể nhìn ra được sự tự hào trong ánh mắt của mẹ, điều đã tồn tại ở đó quá lâu mà đến bây giờ tôi mới chịu nhìn ra. Nhưng, thà muộn còn hơn không bao giờ, phải không?

Nguồn: JCI Hanoi

*Nội dung được thực hiện bởi hoạt động kinh doanh của Trường Sơn Media theo GPKD


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien