top-banner-2

Vì cộng đồng Thứ sáu, 23/08/2024, 12:03 GMT+7
Thái Nguyên hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tỉnh Thái Nguyên từng bước giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho người dân ở khu vực này.

 thai-nguyen-ho-tro-ho-ngheo-thieu-dat-san-xuat

Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và bộ đội Quân khu I làm đường vào khu vực sản xuất sâm Bố Chính cho người dân xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng.

Nhằm xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh để thực hiện Dự án 1 của Chương trình là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngày 14/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 26/2023/QĐ-UBND quy định định mức đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn.

Tỉnh xác định rõ đối tượng áp dụng là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp.

Định mức đất chuyên trồng lúa nước được xác định là 1.500m2/hộ; đất trồng lúa nước còn lại là 2.500m2/hộ; đất trồng rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm; đất nuôi, trồng thuỷ sản và các loại đất hàng năm khác là 5.000m2/hộ.

Trường hợp hộ có từ hai loại đất trở lên thì quy đổi về loại đất trồng rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi, trồng thủy sản và các loại đất hằng năm khác.

Cụ thể, 1m2 đất chuyên trồng lúa nước được tính bằng 3,33m2 đất trồng rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi, trồng thủy sản và các loại đất hằng năm khác.

1m2 đất trồng lúa còn lại được tính bằng 2m2 đất trồng rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi, trồng thủy sản và các loại đất hằng năm khác.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang thống kê, rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách các hộ được thụ hưởng chính sách, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các huyện đều không có quỹ đất công, việc thu hồi đất để khai hoang cấp cho người dân cũng không thể thực hiện được.

Căn cứ Thông tư số 02/2023/TT-UBDT, ngày 21/8/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tỉnh Thái Nguyên thực hiện các giải pháp phù hợp để tăng năng lực sản xuất, hỗ trợ các đối tượng giảm nghèo.

Theo đại diện Phòng Dân tộc huyện Phú Lương, đơn vị được giao tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, Phú Lương có tổng số 75 hộ thiếu trên 50% định mức đất sản xuất. Trong khi Phú Lương không có quỹ đất công để cấp cho các hộ này, địa phương sẽ hỗ trợ chuyển đổi bằng cách hỗ trợ máy móc, nông cụ như cưa lốc, máy cày, máy cắt cỏ, máy xay xát gạo... với định mức không quá 10 triệu đồng/hộ và giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.

Ở các địa phương khác trong tỉnh, trước tình hình không có quỹ đất, căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của người dân và quy định của pháp luật, đã và đang có biện pháp giải quyết phù hợp để tăng năng lực sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên diện tích đất hiện có, tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo.

(nguồn: nhandan.vn)

 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien