top-banner-2

Sức khỏe Thứ tư, 21/08/2024, 14:18 GMT+7
Thói quen uống cà phê, trà không khoa học có thể gây ức chế hấp thu sắt

Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu, đặc biệt ở phụ nữ trẻ tuổi. Góp phần cho tình trạng này tăng nặng là một vài thói quen xấu như uống cà phê, trà không đúng cách.

thoi-quen-uong-ca-phe-tra-khong-khoa-hoc-co-the-gay-uc-che-hap-thu-sat

Uống cà phê, trà ngay sau hoặc cùng bữa ăn có thể dẫn tới chứng thiếu máu, hồi hộp do giảm hấp thu sắt - Ảnh: TTO

Bệnh nhân nữ 23 tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý nhưng thường có biểu hiện mệt mỏi, đặc biệt khi tham gia hoạt động thể dục, mất ngủ kéo dài và thỉnh thoảng có cơn hồi hộp trống ngực, kéo dài khoảng 10 phút và sau đó tự hết.

Thời điểm vào viện, khoảng 10 tiếng trước đó, người bệnh xuất hiện cơn hồi hộp trống ngực kéo dài, kèm theo cảm giác mệt mỏi, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, đôi lúc tưởng chừng sắp ngất xỉu.

Sau đó người bệnh được người thân đưa nhập viện. Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện người bệnh có cơn nhịp tim nhanh, dao động từ 160 - 180 nhịp/phút kèm theo tình trạng thiếu máu mạn tính nặng.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng máu chỉ bằng 1/3 so với người bình thường: hồng cầu: 2,41 T/l; hemoglobin 54g/l; hematocrit 0,197 l/l. Các chỉ số chất lượng hồng cầu kém: hồng cầu nhỏ, nhược sắc kèm theo lượng sắt trong máu và ferritin dự trữ đều rất thấp.

Bệnh nhân được xử trí cơn nhịp tim nhanh, truyền máu, truyền chế phẩm sắt và làm thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh máu khác.

Khi hỏi kỹ, bác sĩ nhận thấy người bệnh mặc dù ăn uống đầy đủ nhưng thường có thói quen uống cà phê ngay sau ăn, thậm chí là ăn trực tiếp gói cà phê hòa tan cùng với thức ăn. Sở thích ăn uống này cũng góp phần khiến cho bệnh thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng hơn.

Đặc điểm chứng thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây thiếu máu thiếu sắt gồm:

• Do không cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể, thường gặp ở những phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em tuổi dậy thì; ở những người có chế độ ăn thiếu hụt sắt như người ăn kiêng, người già, người nghiện rượu…

Bên cạnh đó là do cơ thể giảm hấp thu sắt: viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột; do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong chè, cà phê, nước uống có gas.

• Do mất sắt mạn tính: Gặp trọng bệnh lý đường tiêu hóa như ung thư đường tiêu hóa, polyp đường ruột, loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu…

• Do rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh: Thường ít gặp.

Vitamin C có trong trái cây có múi có tác dụng giúp tăng cường hấp thu sắt - Ảnh: TTO

Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt

Biểu hiện khi thiếu máu thiếu sắt tùy theo mức độ thiếu máu cũng như tiến triển của bệnh. Các biểu hiện thường gặp như mệt mỏi thường xuyên, vô cớ làm giảm năng suất làm việc; cảm giác khó thở khi hoạt động thể lực mạnh; nhức đầu, chóng mặt, khó tập trung; đôi khi mất ngủ kéo dài kèm hội chứng chân tay bồn chồn. Ở giai đoạn sau, có 5 dấu hiệu thường gặp gồm:

- Móng tay giòn, dễ gãy, đôi khi lõm xuống giống như chiếc thìa.

- Vết nứt ở khóe miệng.

- Da và niêm mạc nhợt nhạt hơn bình thường.

- Lưỡi có các khe, rãnh và thường thấy đau.

- Bàn tay cảm thấy lạnh so với người khác.

Thói quen uống cà phê và trà ảnh hưởng đến hấp thu sắt như thế nào?

Báo New York Times dẫn trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra tác động bằng cách cho mọi người ăn một bữa ăn điển hình - bánh hamburger, đậu que và khoai tây nghiền - sau đó đo mức độ sắt của họ sau bữa ăn được kết hợp với nhiều loại đồ uống khác nhau.

Khi các đối tượng dùng bữa với trà, khả năng hấp thu sắt giảm 62%. Uống cà phê dẫn đến giảm 35%. Nước cam làm tăng khả năng hấp thu sắt khoảng 85%.

Một vài nghiên cứu trước đó cũng cho thấy việc tiêu thụ trà đen và cà phê sẽ ức chế sự hấp thu sắt từ các bữa ăn theo quy định, trong đó cà phê có tác dụng ức chế bằng một nửa so với trà.

Một tách trà làm giảm khả năng hấp thụ sắt tới 49% và hai tách trà làm giảm khả năng hấp thu sắt tới 66% ở những người khỏe mạnh. Loại cà phê hoặc trà càng mạnh, chứa hàm lượng caffein càng cao thì lượng sắt cơ thể hấp thu càng ít.

Lựa chọn các loại thực phẩm tăng cường hấp thụ sắt

Thực phẩm thực vật có chất sắt không phải heme (dạng sắt tự nhiên, dễ hấp thụ): Chỉ 1-10% chất sắt trong thực phẩm từ đậu, đậu Hà Lan, rau xanh và các loại hạt được cơ thể hấp thu.

Thực phẩm có chứa sắt heme: Chất sắt có trong các thực phẩm như thịt, gia cầm, hải sản không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dinh dưỡng khác nên được hấp thu với tốc độ cao hơn rất nhiều. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 25-30% sắt heme được cơ thể hấp thu.

Thực phẩm có chứa vitamin C: Vitamin này có thể tăng cường hấp thu chất sắt không phải heme, do đó việc bổ sung thực phẩm có chứa vitamin C trong bữa ăn có thể làm tăng lượng sắt bạn hấp thu từ bữa ăn đó.

Loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, ớt đỏ, quả kiwi, bông cải xanh, dâu tây, cải Bruxen, khoai tây và cà chua.

Lựa chọn thực phẩm và thành phần bữa ăn có thể tạo ra sự khác biệt trong việc hấp thu sắt, bao gồm protein động vật và thực phẩm có vitamin C có thể tăng cường hấp thu sắt và giảm tác động tiêu cực của đồ uống trà và cà phê đối với sự hấp thụ sắt.

Ngoài ra, để hạn chế sự ức chế hấp thu sắt của cà phê và đồ uống có chứa caffeine, bạn có thể áp dụng:

• Tránh uống trà, cà phê trong hoặc ngay sau bữa ăn. Tốt nhất nên uống vào 1 giờ trước hoặc sau bữa ăn để tối ưu hóa sự hấp thu sắt.

• Tăng bổ sung thực phẩm chứa sắt heme thông qua thịt, gia cầm hoặc hải sản.

• Bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien