Á hậu Bích Ngọc: Hành trình bén duyên giảng dạy, truyền cảm hứng và kiến thức thực tiễn cho thế hệ trẻ |
Không chỉ thành công trong vai trò doanh nhân, người kết nối thương mại, Á hậu Bích Ngọc còn là một giảng viên tận tâm và mentor đáng tin cậy ở các trường Đại học trong các lĩnh vực thương hiệu và khởi nghiệp. Thường xuyên thỉnh giảng tại các trường đại học và tổ chức, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với sinh viên và các nhà khởi nghiệp trẻ, Á hậu Bích Ngọc không chỉ lan tỏa tri thức mà còn truyền động lực, sự kiên định và cảm hứng sống có giá trị cho cộng đồng, với mong muốn giới trẻ Việt Nam vươn tầm quốc tế. Qua từng buổi giảng, cô luôn tạo không gian cởi mở, giúp học viên tự tin khám phá, học hỏi và định hình mục tiêu cá nhân. Chị có thể chia sẻ một chút về cơ duyên với nghề “tay trái” này chứ? Đôi khi, duyên nghề tìm đến bất ngờ. Bén duyên với ngành giảng dạy, tôi đã bước chân vào lớp học với một tư duy đặc biệt, đây không chỉ là nơi dạy, mà còn là nơi để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nơi tôi có thể nhìn thấy thế hệ trẻ tự mình xây dựng thương hiệu và chạm đến những giấc mơ khởi nghiệp. Với tôi, truyền đạt kiến thức là một cách lan tỏa đam mê và giá trị lâu dài. Tôi hiểu được sự khác biệt giữa việc đứng trên bục giảng và điều hành doanh nghiệp. Dù chia sẻ với các nhóm sinh viên, doanh nghiệp, hay tư vấn cho cá nhân, tôi luôn hướng tới việc tạo ra không gian cởi mở, để họ dễ dàng chia sẻ và khám phá những câu hỏi còn vướng bận trong lòng. Mỗi người đến với lớp học đều mang một hoài bão khác nhau, người tìm hiểu về thương mại, người muốn nắm bắt bí quyết quản trị, người đang ấp ủ một kế hoạch khởi nghiệp, và cũng có không ít người say mê học ngôn ngữ như tiếng Anh - Trung để bước vào thị trường quốc tế. Với tôi, đó là một cơ hội để truyền đạt không chỉ kiến thức mà còn là lòng tự tin, bản lĩnh, và sự linh hoạt để họ vượt qua thử thách. Điều đặc biệt khiến tôi cảm thấy ý nghĩa nhất chính là khả năng tạo động lực cho người học. Nhìn thấy các bạn sinh viên tự tin bắt đầu sự nghiệp, nhìn thấy các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược đã học để phát triển mạnh mẽ đó là phần thưởng lớn nhất cho những cố gắng của một người thầy. Trong quá trình giảng dạy và điều hành doanh nghiệp, tôi nhận ra cả hai vai trò đều bổ trợ cho nhau, làm phong phú lẫn nhau. Với những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, thương mại và muốn học ngôn ngữ để hội nhập, tôi mong các bạn hãy luôn giữ lửa đam mê và kiên định với mục tiêu của mình. Hãy luôn học hỏi từ người đi trước, không ngại sai, không ngại thử vì đây chính là con đường giúp các bạn tiến đến thành công. Với sự kết hợp giữa kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và niềm đam mê chia sẻ, tôi mong muốn trở thành một “người truyền cảm hứng” thực thụ, giúp học viên của mình tự tin hơn, có định hướng rõ ràng hơn trên con đường phát triển sự nghiệp. Những giá trị và kỹ năng gì trong việc điều hành doanh nghiệp đã hỗ trợ việc giảng dạy, và ngược lại, những trải nghiệm giảng dạy đã tác động đến công việc kinh doanh của chị ra sao? Với những nhà điều hành doanh nghiệp như chúng tôi, ở vai trò một giảng viên có thể có những phần hạn chế bởi chúng tôi không được đào tạo bài bản về chuyên môn sư phạm nhưng bù lại chúng tôi có những trải nghiệm rất thực tế và giá trị cá nhân khá rõ ràng. Trải nghiệm quản lý giúp tôi truyền đạt kiến thức một cách thực tế, hiệu quả, khả năng lập kế hoạch và tư duy chiến lược hỗ trợ tôi thiết kế bài giảng chặt chẽ, mục tiêu rõ ràng, còn kỹ năng giải quyết vấn đề và lãnh đạo giúp tôi nhanh chóng xử lý các tình huống bất ngờ trong lớp học. Và đại đa số những người đã và đang điều hành doanh nghiệp sẽ khá giỏi về kỹ năng quản lý thời gian. Kỹ năng giao tiếp rõ ràng và thuyết phục từ môi trường doanh nghiệp giúp truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu và hấp dẫn cho sinh viên. Tư duy chiến lược, kinh nghiệm phân tích và lập kế hoạch trong kinh doanh giúp xây dựng chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Những tình huống phát sinh trong điều hành doanh nghiệp đã rèn luyện cho khả năng xử lý nhanh chóng các vấn đề trong lớp học. Bên cạnh đó, giảng dạy giúp tôi rèn luyện khả năng giao tiếp và thấu hiểu tâm lý đối tác, tạo mối quan hệ đa dạng với các cá nhân trẻ có tư duy mới mẻ; từ đó, tôi có thêm góc nhìn sáng tạo và linh hoạt hơn khi ứng dụng vào công việc kinh doanh. Chị nghĩ thế nào khi các trường Đại học thiếu kiến thức thực tiễn, và thiếu vận hành thực tế khi áp dụng giảng dạy cho sinh viên hiện nay? Trong những buổi chia sẻ tại các trường đại học, tôi nhận được khá nhiều lời chia sẻ của sinh viên và thậm chí chính những giảng viên gạo cội trong trường đặc biệt là các chương trình đào tạo Quản trị Doanh nghiệp, tôi không khỏi trăn trở trước một thực tế: Khoảng cách giữa lý thuyết hàn lâm và thực tiễn kinh doanh đang ngày càng lớn. Sinh viên được trang bị những kiến thức nền tảng vững chắc, nhưng những người truyền đạt lại chủ yếu là các giảng viên trẻ, mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế điều hành doanh nghiệp. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu kiến thức lý thuyết có đủ để trang bị cho các bạn sinh viên những kỹ năng cần thiết để trở thành những nhà lãnh đạo tài ba trong tương lai? Đơn cử như khi giảng viên nói về Quản trị Doanh nghiệp với hàng tá lý do và sự cố giả thuyết xảy ra… nhưng thực tế họ chưa hề trải qua một ngày trong việc quản trị thì việc chia sẻ có hay đến mấy cũng chỉ là mường tượng trong giới trẻ. Kết hợp lý thuyết với thực tiễn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực: Nắm vững kiến thức nền tảng, sinh viên sẽ có một hành trang lý thuyết vững chắc để phân tích, đánh giá các tình huống kinh doanh. Phát triển kỹ năng mềm thông qua các buổi chia sẻ, sinh viên sẽ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Áp dụng kiến thức vào thực tế có cơ hội ứng dụng những kiến thức đã học vào các tình huống thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Mở rộng mối quan hệ, việc giao lưu với các doanh nhân sẽ giúp sinh viên mở rộng mạng lưới quan hệ, tạo cơ hội cho việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Thực tế, kinh nghiệm thực chiến, những bài học rút ra từ cuộc chiến thương trường mới là yếu tố quan trọng nhất. Việc mời các chuyên gia, doanh nhân đến chia sẻ kinh nghiệm là một xu hướng đáng khích lệ. Đây là cầu nối quan trọng để kết nối trường học với doanh nghiệp, giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động. Các trường đại học cần tiếp tục đầu tư và phát triển các chương trình như vậy để đào tạo ra những thế hệ doanh nhân tài năng, góp phần vào sự phát triển đất nước, khơi dậy đam mê kinh doanh trong mỗi người.
Kết Nối Doanh Nhân chuyên đề tháng 12/2024 * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|