top-banner-2

Chân dung Doanh nhân Thứ ba, 21/11/2017, 11:41 GMT+7
CEO Nguyễn Tiến Thắng và triết lý kinh doanh: Lấy chữ 'Tín' làm đầu

“Triết lý kinh doanh của tôi chẳng có gì mới mẻ, các cụ đã nói mãi rồi, đó là lấy chữ TÍN làm đầu. Nghe thì cổ lỗ như vậy, nhưng lại ít người làm được, ít người theo được đến cùng”.

Đó là lời sẻ chia của CEO Nguyễn Tiến Thắng, Công ty cổ phần Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài, nên anh Thắng hiểu rõ, các doanh nghiệp ngoại thành công chính bởi sự kiên trì giữ chữ tín với khách hàng, không ăn xổi ở thì. Còn nhiều doanh nghiệp Việt lại hay sốt ruột, chưa làm đã mong giàu, chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín đã muốn hưởng thụ… Trò chuyện với Nguyễn Tiến Thắng một vài tiếng mà chúng tôi cũng vỡ được bao điều.

Bản thân vốn thích kinh doanh nên ngay từ khi đang còn là sinh viên ngành cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải, anh Thắng đã rất thành công khi mở một cửa hàng hoa tại phố Nguyễn Khuyến. Lý do mở tiệm hoa, theo anh, không phải do mình khéo tay, mà vì nghề hoa khởi nghiệp chỉ cần số vốn ít ỏi, lại “tiền tươi thóc thật”, chẳng ai mua hoa chịu tiền bao giờ. Thắng tâm sự, phải tùy hoàn cảnh, đừng bao giờ cố làm cái gì quá sức, mới khởi nghiệp thì hãy mong thành công nhỏ trước đã.

nguyen-tien-thang-ceo-chia-khoa-thanh-cong-ketnoidoanhnhan

CEO Nguyễn Tiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sơn Quốc tế Mỹ

Sau khi tốt nghiệp, anh đã nhượng lại cửa hàng hoa đang làm ăn được cho người học nghề hoa của mình để xin vào làm nhân viên bán xe ô tô. Sau một thời gian ngắn, anh chuyển sang làm nhân viên kinh doanh cho một hãng sơn. Không ngờ anh “kết” nghề này và sống với nghề đến giờ.

Với kinh nghiệm có được trong nghề sơn sau quá trình làm nhân viên tại hãng, Nguyễn Tiến Thắng ra mở công ty riêng của mình vào năm 2007 với tên gọi Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Miền Đất Vàng. Ngành nghề chính là dịch vụ thi công xây dựng và hoàn thiện nội ngoại thất công trình; phân phối vật liệu chống thấm và sơn.

Công ty có số vốn ban đầu rất khiên tốn, chỉ khoảng 300 triệu đồng. Ngày đầu thành lập chỉ có 7 người, cơ sở vật chất gần như không có gì ngoài 3 bộ máy tính và mấy bộ bàn ghế. Cửa hàng thì thuê được với giá rẻ 2 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm đó, Công ty chỉ là một đơn vị phân phối và thi công nội ngoại thất công trình, chưa có chút thị phần nào trong lĩnh vực sản xuất sơn.

Luôn xác định rõ, kinh doanh phải bằng chữ tín, Công ty Miền Đất Vàng đã quán triệt tư tưởng đến từng nhân viên phải không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, nhằm tối đa hóa quyền lợi cho khách hàng, có như vậy mới có thể có chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt.

“Nhờ làm ăn đứng đắn, lúc nào cũng nghĩ đến khách hàng… nên chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã tạo dựng được uy tín, khách hàng biết đến dịch vụ của công ty ngày càng nhiều, công việc ngày càng phát triển”, CEO Nguyễn Tiến Thắng cho biết.

Cuối năm 2008, nhận thấy thị trường sơn có nhiều cơ hội, Nguyễn Tiến Thắng đã quyết định thành lập thêm một công ty có tên là Công ty cổ phần Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm sơn dân dụng và sơn công nghiệp. Lý giải về tên công ty, CEO Thắng cho biết: “Tên gọi của công ty gợi nên sự chắc chắn và tầm của doanh nghiệp. Sở dĩ có tên Quốc tế Mỹ vì tôi kỳ vọng Công ty sẽ là nơi hội tụ những thương hiệu sơn mạnh trên thế giới, đồng thời sản xuất và xuất khẩu được nhiều sản phẩm của mình ra toàn cầu. Trên thị trường nguyên liệu sơn thì Mỹ là quốc gia có nhiều thương hiệu mạnh như DOW, DUPON, BASF… Đặt tên gọi này, khách hàng cũng dễ tìm đến với chúng tôi hơn”.

Lúc đầu, khi chưa có đủ vốn để đầu tư cơ sở sản xuất, anh Thắng đã thuê một cơ sở sản xuất gia công sơn với tên thương hiệu riêng của mình. Mọi việc ban đầu cũng suôn sẻ, nhưng đời thật khó tránh chữ ngờ.

nguyen-tien-thang-ceo-chia-khoa-thanh-cong-ketnoidoanhnhan-2

Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công
(do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoanggia Media Group thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland)

Cuối năm 2010, đơn vị gia công đã vi phạm hợp đồng khi giao hàng kém chất lượng, khiến Công ty cổ phần Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ mất toàn bộ thị trường. Hơn 500 công trình dùng sơn của công ty bị lỗi hỏng, bay màu phấn hóa. Sơn quốc tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng.

Biến cố này khiến Nguyễn Tiến Thắng nhận ra rằng phải tự mình sản xuất lấy mới có thể đảm bảo và kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Vì thế, đầu năm 2011, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn cố vay mượn, kêu gọi vốn để đầu tư một xây dựng nhà máy sơn. Với những mẻ sơn đầu tiên, công ty ra thêm một nhãn hàng sơn nữa để làm lại thị trường đã mất. Phân khúc thị trường mà Công ty lựa chọn là khách hàng có thu nhập trung bình ở thị trường các tỉnh.

Nhưng vận đen vẫn chưa buông tha. Đầu năm 2012, doanh nghiệp liên tục gặp phải những lỗi sai kỹ thuật, chất lượng sản phẩm kém, công nhân trình độ yếu… Mâu thuẫn nội bộ phát sinh trong quá trình cải tổ doanh nghiệp. Công ty một lần nữa đứng bên bờ vực phá sản. Cổ đông lớn (phụ trách sản xuất) lại quyết định thoái vốn để ra lập công ty riêng.

Xác định chỉ có học hỏi kỹ thuật, thay đổi cải tiến kịp thời toàn bộ hoạt động sản xuất, tái cấu trúc các hoạt động tại nhà máy… thì mới vực dậy được công ty, CEO Tiến Thắng đã tìm thuê một giám đốc kỹ thuật có năng lực về phụ trách sản xuất. Công ty tiến hành triệt để việc cải tiến chất lượng, thay đổi nguồn nguyên liệu, nâng cao trình độ công nhân, đầu tư máy móc... Ngay trong năm này, sản phẩm sơn của Công ty đã đón nhận tin vui khi được cấp chứng chỉ ISO 9001 - 2008 và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K5663 - 2003, do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp, đồng thời được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận hợp quy QCVN.

Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Công ty liên tục tăng trưởng, có những năm tăng trưởng đến trên 300%. Hiện tại Sơn quốc tế Mỹ lọt đã top 30 các doanh nghiệp mạnh trong ngành hàng sơn trang trí trên cả nước.

nguyen-tien-thang-ceo-chia-khoa-thanh-cong-ketnoidoanhnhan-3

Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Sơn Quốc tế Mỹ

Vần còn sớm để nói đến thành công, bởi thị trường sơn hiện có sự cạnh tranh lớn từ hơn 600 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp FDI dù có số lượng ít nhưng đã chiếm lĩnh tới hơn 80% tổng sản lượng thị trường sơn. Bởi vậy, CEO Nguyễn Tiến Thắng không nói nhiều về bí quyết kinh doanh, mà chỉ khiêm tốn cho rằng: “Doanh nghiệp khởi nghiệp nên xác định được chiến lược đúng đắn và kiên trì theo đuổi chiến lược đó. Với Công ty cổ phần Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, chúng tôi luôn giữ vững quan điểm lấy chữ Tín và đặt chất lượng lên hàng đầu thông qua chiến lược phát triển bền vững. Sau khi đã tự tin về chất lượng sản phẩm của mình, chúng tôi sẽ lựa chọn chiến lược phát triển thương hiệu thị phần – thị trường một cách chắc chắn dựa trên nền tảng của chiến lược tập trung”.

Duy Hữu

Theo ấn phẩm Kết nối doanh nhân


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2

hoa-moc-thien